Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Daegu, Hàn Quốc
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 19/4, thế giới ghi nhận tổng cộng 505.038.710 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.224.442 ca tử vong.
Hơn 456,455 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, trong khi vẫn còn hơn 42,3 triệu bệnh nhân đang điều trị.
Ngày 19/4, Hàn Quốc ghi nhận 118.504 ca nhiễm mới và 130 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 21.354 người.
Tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải ngày 19/4 thông báo ghi nhận 3.084 ca nhiễm mới có triệu chứng và 17.332 ca không triệu chứng trong ngày 18/4.
Ngoài ra, thành phố Thượng Hải cũng có thêm 7 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 18/4, tăng so với 3 ca ghi nhận 1 ngày trước đó.
Pháp ngày 18/4 ghi nhận 19.810 ca nhiễm mới và 44 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này lên 115.545 ca.
Hiện tại, Pháp vẫn còn 1.635 người phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Trong khi đó, cùng ngày 18/4, Bộ Y tế Argentina cho biết chính phủ nước này đã quyết định thực hiện các báo cáo về số ca mắc COVID-19 và số trường hợp tử vong theo tuần thay vì công bố hàng ngày như trước đây.
Ngoài ra, bộ trên cũng đề ra chiến lược giám sát y tế mới, trong đó ưu tiên chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở những người trên 50 tuổi, những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hay đang phải nằm viện, hoặc người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm cao, như nhà tù và trung tâm y tế.
Trong báo cáo chính thức mới nhất, Bộ Y tế Argentina cho biết quốc gia Nam Mỹ này không ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào do COVID-19 trong ngày 17/4.
Tính đến nay, Chính phủ Argentina đã tiến hành tiêm hơn 97,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Hiện 82% dân số Argentina, tương đương gần 37 triệu người, đã tiêm đủ liều cơ bản và khoảng 43% dân số đã tiêm liều thứ 3.
Chính phủ Mexico mới đây tuyên bố sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 diện rộng cho trẻ em dưới 12 tuổi và kế hoạch này được giới chuyên gia Mexico ủng hộ.
Các ý kiến đều nhất trí rằng cần tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi càng sớm càng tốt, vì nhóm dân số này cũng dễ tổn thương khi bị nhiễm bệnh như người lớn.
Các chuyên gia cũng cho rằng trì hoãn tiêm chủng sẽ khiến Mexico bị tụt hậu so với thế giới.
Hệ thống Bảo vệ toàn diện trẻ em và vị thành niên quốc gia (Sipina) ước tính, từ tháng 4/2020 đến ngày 10/4/2022 đã có 1.260 trẻ em tử vong vì COVID-19 ở Mexico, trong đó có 590 trẻ em gái.
Cơ quan này cho biết có 649 ca tử vong là trẻ từ 0-5 tuổi, 182 ca từ 6-11 tuổi và 429 ca trong độ tuổi từ 12 đến 17.
Mexico đã ghi nhận hơn 5,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 324.000 ca tử vong.
Đến nay, quốc gia này đã triển khai tiêm 194,5 triệu liều vaccine cho 85,7 triệu người trên tổng số 130 triệu dân.
Liên quan đến vấn đề vaccine, một ủy ban các chuyên gia thuộc Bộ Y tế Nhật Bản ngày 18/4 đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do công ty công nghệ sinh học Novavax Inc. của Mỹ phát triển.
Đây là quyết định tiền đề để Bộ Y tế Nhật Bản cấp phép chính thức sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Novavax Inc cho người dân ở nước này.
Nếu được cấp phép, đây sẽ là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 được lưu hành tại Nhật Bản bên cạnh 3 loại vaccine của Pfizer Inc., Moderna Inc. và AstraZeneca Plc./.
Theo TTXVN