Thi hành quyết định xử phạt hành chính

Cập nhật: 28-09-2013 | 00:00:00

Hộ liên ranh với gia đình tôi bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi xây dựng nhà sai hồ sơ thiết kế và giấy phép xây dựng. Cho rằng việc xử phạt này chưa thỏa đáng, họ đã làm đơn khởi kiện gửi tòa án và cho rằng đang kiện ở tòa nên không nộp phạt, không tháo bỏ phần công trình xây dựng sai giấy phép, dù đã hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt. Vậy pháp luật giải quyết như thế nào đối với trường hợp này?

PHAN VĂN TIẾN (TX.Dĩ An)

Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) quy định về việc thi hành quyết định xử phạt VPHC như sau: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt VPHC; trường hợp quyết định xử phạt VPHC có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt VPHC thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý VPHC của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.

Với quy định nêu trên, dù hộ xây nhà đã khởi kiện nhưng vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt.

Chia tài sản riêng khi ly hôn

Vợ chồng khi ly hôn tài sản riêng của vợ hoặc chồng có phải chia hay không và đồ trang sức được cho trong ngày cưới có phải là tài sản riêng của người vợ không?

LÂM THU PHƯƠNG (phường Thuận Giao, TX.Thuận An)

Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

Tuy nhiên, người có tài sản riêng phải chứng minh được đó là tài sản riêng của mình. Việc chứng minh có thể bằng sự công nhận của bên kia hoặc bằng các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu riêng của mình, như: văn bản, di chúc hoặc chứng cứ khác chứng tỏ tài sản đó là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Trường hợp vợ, chồng đã tự nguyện nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng đã chi dùng trong gia đình mà không còn nữa thì người có tài sản riêng không có quyền đòi lại hoặc đền bù. Còn như tài sản riêng tăng giá trị lên rất nhiều lần vì người có tài sản riêng đã dùng tài sản chung để tu sửa làm tăng giá trị cho tài sản riêng của mình, thì cần phải xác định phần tăng giá trị đó, nhập vào tài sản chung để chia.

Những đồ trang sức mà vợ, chồng được cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng tặng riêng trong ngày cưới là tài sản riêng; nếu những đồ trang sức đó được tặng cho cả hai người với tính chất là tạo dựng cho vợ chồng một số vốn thì coi đó là tài sản chung. (Khoản 1 Điều 95 Luật HN&GĐ).

Luật gia XUÂN LẠC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=378
Quay lên trên