Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát bức xúc nhất trong vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay là thịt, rau và thủy sản nhiễm chất cấm nhưng Bộ trưởng cũng thừa nhận không có sự chuyển biến đáng kể về chất lượng rau an toàn.
Phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến với 63 địa phương về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì chiều 9/1, ông Cao Đức Phát cho biết hiện cả nước chỉ có khoảng trên 22.000ha rau an toàn được công nhận, so với 100.000ha rau được trồng trên toàn quốc thì tỷ lệrau an toàn còn quá ít...
Trồng rau an toàn. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương cho biết thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ,ngành trong việc triển khai công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã góp phần giải quyết kịp thời những sự vụ liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm như gà nhập lậu, mỳ tôm, chất cấm trong thịt, cá, gạo giả, ô mai xí muội, táo nhập khẩu...
Công tác thanh, kiểm tra được các bộ, ngành triển khai khá quyết liệt và hiệu quả ở tất cả các cấp với trên 563.000 cơ sở bị thanh kiểm tra, trong đó phát hiện 21% số cơ sở sai phạm.
Các đoàn kiểm tra đã xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm như yêu cầu tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu khắc phục về nhãn sản phẩm, chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng quản lý (1.313 cơ sở).
Theo Bộ trưởng, Tháng an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán năm 2013 và chủ đề cả năm 2013 là "hướng tới bữa ăn an toàn", vì vậy cần đẩy mạnh hướng đến việc sản xuất thực phẩm theo chuỗi an toàn và dán tem sản phẩm an toàn, trước mắt là rau, thịt...
Từ thực tế của công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương thẳng thắn thừa nhận, sự phối hợp của các bộ, ngành vềcông tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa chặt chẽ, một số văn bản liên quan đến thực hiện Luật An toàn thực phẩm vẫn chậm ban hành.
Ngoài ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm của Việt Nam còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 300 người, trong khi chỉ riêng thủ đô Bangkok của Thái Lan đã có trên 5.000 cán bộ thanh tra về thực phẩm, Nhật Bản là 12.000 người.
Bên cạnh đó, tại tuyến cơ sở, nhất là xã phường, việc xử phạt các sai phạm về an toàn thực phẩm còn buông lỏng, đa phần chỉ nhắc nhở... trong khi ý thức người sửdụng thực phẩm và cộng đồng về an toàn thực phẩm lại chưa cao.
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương đã thành lập 8 đoàn thanh tra liên ngành vềthực phẩm tại 24 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 10.1-15.2. Ngoài ra, theo yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm, tại mỗi địa phương cũng cần lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra mạnh các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.
Đặc biệt, các đoàn của Trung ương và tuyến tỉnh tập trung thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơsở dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã tiến hành thanh, kiểm tra.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến, đại diện các Bộ Công thương, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố tại các đầu cầu TP.HCM, Đồng Nai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội... đều nhất trí đánh giá cao sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương an toàn thực phẩm thời gian qua.
Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng đã chỉ đạo hết sức cụ thể, tập trung vào mặt hàng gà nhập lậu tại cửa khẩu biên giới đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét, giảm trên 90% gia cầm nhập lậu. Điều quan trọng hơn là ý thức người dân và một số địa phương đã cam kết, chuyển sang không buôn bán vận chuyển gà lậu, mà tự ủ trứng, tạo giống phát triển chăn nuôi trong nước.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định công tác an toàn thực phẩm trong năm qua đạt được 6 kết quả nổi bật, là công tác xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác an toàn thực phẩm từ Trung ương đến các bộ, ngành về cơ bản đã hoàn thành đạt trên 90%, trongđó phải kể đến cấp Chính phủ đã ban hành 8 nghị định và quyết định về mức xửphạt hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định xử lý rượu không đảm bảo an toàn... cùng hàng chục văn bản liên bộ, bộ.
Trên cả nước đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm từ Trung ương đến cấp huyện (cả nước chỉ còn 3 huyện chưa thành lập ban chỉ đạo an toàn thực phẩm). Công tác kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng và trên quy mô cả nước. Công tác truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm được đẩy mạnh trên các phương diện. Ngoài ra, công tác vận động các cơsở sản xuất nông sản thực hiện sản xuất thực phẩm an toàn cũng được đẩy mạnh; giải quyết tốt, triệt để vấn đề gà nhập lậu.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới cần tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua đường chính thức và không chính thức. Sang năm 2013, từ mô hình xử lý gà nhập lậu, sau đó mở rộng sang các sản phẩm khác và tiếp tục hoàn thiện các quyđịnh liên quan đến việc truy xuất tận gốc thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc; thực hiện tốt 3 không trong thực phẩm, trong đó chú trọng đến thực phẩm không có phụ gia; xây dựng mô hình chợ an toàn.
Năm 2012 cả nước đã xảy ra 168 vụ ngộ độc, giảm 6 vụ so với năm 2011. Tuy nhiên, số vụ ngộ độc thực phẩm tại gia đình tăng 16 vụ so với năm trước, số người mắc tăng 643 người, số người nhập viện tăng 308 người liên quan chủ yếu đến rượu, nấm, bánh trôi ngô... đáng tiếc có một số trường hợp tử vong liên quan đến rượu và thực phẩm.
Theo Dân Trí