Thơ tình Văn khoa
Cập nhật: 05-01-2013 | 00:00:00
Tiết trời cuối năm với những cơn se lạnh sớm mai bất chợt
thường làm cho lòng người chùng xuống. Những cánh hoa dầu bay trên đường phố dường
như mang theo niềm đau, thấp thoáng những cuộc tình. Áo em trắng mây trời viễn
xứ / Tôi lang thang cõi mộng Văn khoa / Đâu biết được một chiều nắng đẹp / Hồn
lịm đi trước sắc áo kiêu sa (Thơ tình học trò, Phan Hoàng) Nhà thơ Phan Hoàng xuất
thân là “dân khoa văn” của Đại học Tổng hợp TP.HCM (trước 1975, trường có tên Đại
học Văn khoa, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM). Ra trường lâu
rồi, không riêng Phan Hoàng mà gần như với bất kỳ ai đó từng là “dân tổng hợp”
đều lưu luyến đến hai chữ “Văn khoa” hệt như mối tình đầu cứ mãi bồi hồi khi có
dịp nhắc kể, nhớ về... Hôm nay tôi về thăm lại / Văn khoa một thuở hướng đài / Giật
mình bên hàng liễu rũ / Như còn nguyên sắc áo ai. Những câu thơ của Phan Hoàng
khiến người ta chợt đắm chìm trong hoài niệm, như thấy tuổi mới lớn của mình chợt
sống dậy. Ở đó có câu thơ bàng bạc yêu thương của biết bao cặp sinh viên yêu
nhau trên chốn giảng đường. Đã nhiều buổi tan học chiều, thời ấy, đôi bạn cùng
đạp xe song song dưới những hàng cây rợp bóng đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh
Khiêm, Phùng Khắc Khoan... Nhiều lúc chạy xe bên nhau trên một đoạn đường dài,
song đôi bạn không trò chuyện với nhau câu nào, bởi nói như nhà thơ Phan Hoàng,
dường chừng họ vẫn tiếp tục lang thang trong cõi mộng Văn khoa. Có lẽ không quá lời khi ai đó cho rằng thơ tình - đặc biệt
là của những nhà thơ xuất thân từ trường Văn khoa, luôn là những lời phủ dụ ngọt
ngào của tình yêu, như dòng suối róc rách từ thiên thu dành cho những đôi tình
nhân của bao miên man thế hệ, như một kẻ đồng lõa cho sự tồn tại của nhân loại...
Bởi vậy, thơ tình là con đường không chỉ Phan Hoàng lựa chọn, mà không ít những
thi nhân từng khoác áo văn khoa đã cưu mang một đời cho ca từ tôn vinh về một
thánh đường (và cả địa ngục nữa!) của tình yêu. Ở đó, người ta cũng nhận ra là
dù thi sĩ có làm chứng gian cho một cuộc tình không thực, nhưng ít ra họ đã
mang đến một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, một chút kỷ niệm khó phai mờ cho những kẻ
tình nhân của một thời yêu thương say đắm. Bởi nơi ấy còn là chuyện của rồi mùa
thu gió nỗi sầu lá rụng / Mùa đông làm nhớ mưa bay / Mùa xuân thay sắc lá /
Nhưng Hè chết lặng dáng mây... Chẳng có cuộc tình nào giống cuộc tình nào. Mỗi cuộc tình là
một thế giới riêng lẻ. Mỗi ánh mắt là một tín hiệu âm thầm. Mỗi nụ cười là một
hân hoan nhớ đời. Mỗi một giọt nước mắt là một mất mát khó quên. Và từ đó tôi
hóa thành bướm lạc / Mắt nhắm nghiền trước hàng triệu bông hoa / Chỉ mơ về một
sắc mây viễn xứ / Hốt nhiên trong vạn đại thiên hà. Áo em trắng mây trời viễn xứ / Tôi lang thang cõi mộng Văn
khoa... Phải chăng ở đâu đó trong cuộc đời đầy bon chen, lối yêu đầy mật ngọt
và cũng lắm cạm bẫy, sự giã từ của một người yêu tựa vết sắc nhọn thấu vào tim,
song đó lại dậy lên nỗi khát khao ngọt ngào khi nghĩ về một quảng đời đong đầy
thương yêu mà lắm bận ai đó cứ ngờ vết thương lòng sẽ mãi mãi ngủ yên. Bởi có
phải không, khi đã chia xa thì ta chơi vơi giữa một bên là thời gian vời vợi với
một bên là khoảng chìm yêu thương đã mất: Hôm nay tôi về thăm lại / Văn khoa một
thuở hướng đài / Giật mình bên hàng liễu rũ / Như còn nguyên sắc áo ai... HỒNG PHÚC