Thú vị “gặp lại” tờ Văn nghệ Sông Bé số đầu tiên

Cập nhật: 20-06-2018 | 09:06:31

Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 cũng là ngày chúng ta hay tìm lại những kỷ niệm về chuyện đời chuyện nghề. Và tôi tình cờ đọc lại số Văn nghệ đầu tiên của tỉnh Sông Bé - Bình Dương. Nay là tờ Văn nghệ Bình Dương mỗi tháng ra một số, là “sân chơi” văn nghệ cho các hội viên trong, ngoài tỉnh…

Tôi thật sự vui khi bắt gặp tờ Văn nghệ Sông Bé số 1 xuất bản vào tháng 9-1981 tại nhà chú Quốc Nhân - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Sông Bé - Bình Dương. Thật thú vị! Tôi làm báo, đọc tờ báo Sông Bé đầu tiên thì lâu rồi. Điều này là một lẽ đương nhiên của một người tìm hiểu về cơ quan mình đang công tác, gắn bó. Nhưng đây lại là tờ Văn nghệ - tiếng nói của văn nghệ sĩ tỉnh Sông Bé - Bình Dương hồi đó thì thật đáng trân trọng, tìm hiểu xem các chú, các anh mình viết gì trong đó!

Một số hình ảnh của tờ Văn nghệ Sông Bé số 1

Tờ báo 10 trang, in giấy vàng ố nên nay càng… ố vàng theo thời gian! Giá bán 60 xu. Địa chỉ: Ban Biên tập Phòng Văn nghệ - Xuất bản: Ty Văn hóa Thông tin. Dây nói: 76. In tại Xí nghiệp in Sông Bé. Chỉ chừng này thông tin đã thú vị rồi! Vừa đọc vừa bắt gặp những cái tên nay mình còn biết, còn gặp quả là niềm vui biết nhường nào: Ngọc Am, Đức Trường (được nhắc đến trong truyện ngắn “Cô gái ấy” của tác giả Ngọc Am), Từ Nguyên Thạch…

Tờ báo có các chuyên mục: Xã luận, Thơ, Truyện ngắn, Văn hóa văn nghệ khắp nơi, Góc thư giãn với tranh biếm họa. Có thể là quá đơn điệu so với những tờ báo Văn nghệ bây giờ, quá đơn giản so với thời đại công nghệ 4.0 nhưng chúng ta lùi lại mấy chục năm về trước, đó quả là điều đáng ghi nhận, trân trọng dành cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Trang thơ được trình bày rất… văn nghệ bởi có bài tên tác giả được đưa lên đầu bài luôn, không có tít tựa gì hết! Vậy mà khiến cho người đọc mỉm cười như bắt gặp một sự hồn nhiên, thơ trẻ. Thử đọc lại mấy câu thơ của Từ Nguyên Thạch: Như thế nào rồi cũng phải nói thôi/ Đâu phải ngày ngày nắng vàng theo em vào quán nhạc/ Ngọn đèn âm u đâu biết mình lầm lạc/ Chỉ tội bàn chân em sao còn mãi bơ vơ/ Chẳng ai muốn làm con thú ngu ngơ/ Rên hoài những âm thanh mất trí/ Son phất cầu kỳ đưa em vào mộng mị/ Nàng công chúa ngủ trong rừng chẳng thức dậy đón em đâu… (thơ không thấy ghi tựa đề nhưng đọc thấy rất hay).

Và truyện ngắn “Cô gái ấy” của tác giả Ngọc Am đủ sức lôi cuốn một độc giả đọc mọi thứ văn chương trên mạng có, trong sách có như tôi đọc đến chữ cuối cùng! Để rồi bỗng cảm thấy đồng cảm với người cầm bút lắm bởi không có tình yêu cuộc sống, không biết quý trọng tình người, tình yêu khó có thể viết lên một câu chuyện tình éo le, bàng bạc xen lẫn với thực tế của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, với nhịp sống phố thị ngày đó…

Đọc, ngẫm từng con chữ đã ố vàng, bỗng thấy rằng; văn hóa - nghệ thuật vẫn có nhịp sống, vẫn có dòng chảy riêng để chuyển tải biết bao thông điệp của thời cuộc, của con người. Không thể thiếu những dòng chữ này bởi qua đó, vùng đất, con người như sống lại đầy hình ảnh, âm thanh từ xưa vọng lại…

Và thấy, có khi mình cần sống chậm lại, cần tìm kiếm những kho tư liệu quý này, cần gặp gỡ những con người nhân chứng của một thời này sẽ có nhiều chuyện để viết. Thú vị lắm thay…

TRẦN QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=540
Quay lên trên