Thúc đẩy thanh toán số trong y tế

Cập nhật: 01-03-2023 | 09:14:31

Với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm tạo môi trường y tế số văn minh, hiện đại, ngành y tế tỉnh đang huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy các bệnh viện, cơ sở y tế chuyển đổi số, sử dụng nền tảng số, thanh toán số không dùng tiền mặt.

 Cán bộ Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một thực hiện kê đơn thuốc điện tử cho người bệnh

 Rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh

Thanh toán điện tử, thanh toán số không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh viện, người bệnh và xã hội. Khi thanh toán số được triển khai tại cơ sở y tế, người bệnh không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt (nhầm lẫn, thống kê, đối soát). Đối với bệnh viện thì giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn các đơn phiếu và tiết kiệm chi phí nhân lực, giúp bệnh viện rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, thanh toán số trong y tế còn tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới mô hình bệnh viện thông minh. Khi thanh toán điện tử, người dân không phải chờ đợi xếp hàng mà rút ngắn thời gian thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, tiết kiệm được thời gian, công sức cho bệnh nhân và người nhà. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không phải mang tiền mặt, giảm rủi ro mất mát trong quá trình điều trị và di chuyển. Đặc biệt, người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Song song với đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, ngành cũng tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong khám, chữa bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt”.

Theo đó, các bệnh viện, cơ sở y tế sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho 3 hoặc 4 phương thức: Mã vuông QR, qua website (chuyển khoản, thanh toán), qua Mobile Money và thẻ POS. Các đơn vị tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý bệnh viện, cơ sở y tế. Ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các cơ sở y tế thống nhất mẫu thông tin thanh toán không dùng tiền mặt để tạo thuận lợi cho người dân trong thanh toán viện phí. Bệnh viện, các cơ sở y tế bố trí nhân lực hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí và các dịch vụ phục vụ bệnh viện. Thời gian tới, các đơn vị cần tăng tối đa số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng số lượng và giá trị thanh toán.

Bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán

Hiện Sở Y tế đang phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp nền tàng y tế số, ngân hàng số triển khai thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật trong thanh toán điện tử. Đặc biệt, khi triển khai chuyển đổi số cần có cơ chế giải quyết tranh chấp có thể phát sinh trong các hoạt động sử dụng công nghệ số, nền tảng số, thanh toán không dùng tiền mặt. Những động thái này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bệnh nhân, người sử dụng dịch vụ y tế và các bệnh viện, cơ sở y tế.

Song song đó, ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức, hành vi lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Ngành phối hợp giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong thanh toán viện phí số.

“Khó khăn hiện nay của các đơn vị gặp phải đó là phí giao dịch một lần cao trong khi mỗi bệnh nhân phát sinh nhiều hơn một giao dịch. Bệnh viện phải chịu số tiền phí giao dịch trong khi chưa được đưa vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Hơn nữa, nhận thức và thói quen của bệnh nhân về thanh toán điện tử còn chưa cao; việc triển khai chưa được đồng bộ hết trong cả quy trình khám, chữa bệnh; người dân vừa dùng thẻ thanh toán vừa phải dùng tiền mặt gây bất tiện cho người bệnh; người bệnh không dùng được thẻ của ngân hàng khác hoặc thẻ đó không dùng đi khám ở bệnh viện khác được. Đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người già, trung niên vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán. Vì vậy, cần phải thay đổi được thói quen của người dân”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở khám, chữa bệnh, không chỉ đem lại tiện ích cho người dân, mà còn giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm nhân lực và rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh”.

(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)

 HOÀNG LINH  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=253
Quay lên trên