Thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020: Đạt nhiều kết quả quan trọng

Cập nhật: 23-08-2018 | 04:36:35

Ban chỉ đạo bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh vừa sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch BVMT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020. Theo đánh giá, tuy một số dự án, nhiệm vụ còn chậm tiến độ do nguồn vốn giải ngân hạn chế, nhưng Ban chỉ đạo BVMT tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng mà kế hoạch đã đề ra.

 Trong thời gian qua, Bình Dương luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Khu công nghiệp công nghệ cao tại Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Vốn giải ngân đạt hơn 2.900 tỷ đồng

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Kế hoạch BVMT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, Ban chỉ đạo BVMT tỉnh đã ban hành 14 dự án đầu tư trọng điểm, do Dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực suối Lồ Ồ nhập vào Dự án thoát nước và xử lý nước thải nên hiện còn 13 dự án. Các dự án được chia thành 3 nhóm, gồm: Nhóm về cơ sở vật chất và xử lý nước thải (5 dự án); nhóm về dự án thoát nước và xử lý nước thải (3 dự án); nhóm dự án về bảo đảm dòng chảy và cải thiện môi trường (5 dự án).

Sau gần 3 năm triển khai Kế hoạch BVMT tỉnh giai đoạn 2016-2020, các sở, ban, ngành, địa phương đã chỉ đạo và phối hợp thực hiện ban hành, hoàn chỉnh các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các quy hoạch, kế hoạch, đề án, phương án làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo trong giai đoạn tới. Đến nay, các cấp, các ngành, địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể của đơn vị mình để tập trung thực hiện; về cơ bản tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra.

Tính đến tháng 6-2018, 13/13 dự án đầu tư đều có quyết định phê duyệt dự án hoặc chủ trương đầu tư, nhiều hạng mục trong từng dự án đã hoàn thành hoặc đang triển khai thi công. Tổng vốn đầu tư đã giải ngân cho các dự án là hơn 2.900 tỷ đồng, đạt 45% so với kế hoạch 2016-2020. Về 23 nhiệm vụ trọng tâm, đến tháng 6-2018 có 11 nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc được thực hiện thường xuyên hàng năm, 9 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện, 3 nhiệm vụ còn lại sẽ được tiến hành vào giai đoạn 2019-2020.

Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết để đạt được kết quả nói trên, trước hết là nhờ Kế hoạch BVMT giai đoạn 2016-2020 là kế hoạch 5 năm lần thứ 3 được UBND tỉnh ban hành từ cuối năm 2015, nên các cấp, các ngành có nhiều kinh nghiệm, thời gian và chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch riêng cho đơn vị mình. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo, chủ trì nhiều phiên họp để cùng mổ xẻ những vấn đề khó khăn trong công tác BVMT, nhất là những vấn đề liên quan tới các tỉnh, thành lân cận, giải quyết các nội dung trùng lắp của các dự án, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công. Cùng với đó, kế hoạch đầu tư công được tỉnh ban hành ngay từ cuối năm trước và điều chỉnh kịp thời vào giữa năm theo nhu cầu cấp thiết của từng dự án, nên các đơn vị được làm chủ đầu tư chủ động hơn và có nhiều kinh phí hơn để triển khai thực hiện các dự án.

Theo Ban chỉ đạo Kế hoạch BVMT tỉnh giai đoạn 2016- 2020, trong thời gian qua việc phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với BVMT đã được tỉnh quan tâm giải quyết hài hòa và gắn kết chặt chẽ hơn. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều danh mục, quy định về các ngành nghề, các vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh và những biện pháp phòng ngừa, xử lý, định hướng không thu hút đầu tư các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và hạn chế bố trí cơ sở sản xuất nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp...

Thực hiện tốt Nghị quyết 24 của Trung ương

Tỉnh Bình Dương sớm quan tâm và coi trọng công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và BVMT, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, đề án, quy hoạch, cơ chế, chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT. Đồng thời, tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn của các doanh nghiệp trong nước để ứng phó với biến đổi khí hậu và BVMT.

Công tác ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực BVMT và phòng chống biến đổi khí hậu cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống khí thải tự động nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu; đầu tư hệ thống biến đổi năng lượng mặt trời ứng dụng trong dân dụng; triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao...

Thời gian qua, tỉnh đã lồng ghép các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; đã xây dựng, phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2035. Hiện quy hoạch này đã xây dựng các kịch bản phân bổ, bảo vệ nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó đã xây dựng bộ tiêu chí, các chỉ số làm căn cứ để hoạch định chính sách, kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ đối với ngành công nghiệp, giao thông, xây dựng, sử dụng đất, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Riêng đối với công tác bảo vệ nguồn tài nguyên, khoáng sản và đa dạng sinh học cũng được tỉnh nhà thực hiện thường xuyên.

Thực hiện Chương trình hành động số 68-CT/TU ngày 14-8-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT (gọi tắt là Nghị quyết 24 của Trung ương), đến nay Bình Dương đã đạt được những kết quả rất khả quan. Đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu có 18 nhiệm vụ, 7 nhiệm vụ đã được tỉnh thực hiện hoàn thành và 11 nhiệm vụ đang triển khai; lĩnh vực tài nguyên có 15 nhiệm vụ, đã hoàn thành 12 nhiệm vụ; lĩnh vực môi trường có 30 nhiệm vụ, đã hoàn thành 14 nhiệm vụ; các nhiệm vụ còn lại đang được khẩn trương triển khai.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo BVMT tỉnh, cho biết Bình Dương vẫn trung thành với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với BVMT và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy thời gian qua nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ BVMT đã được tỉnh thực hiện hoàn thành xuất sắc, thậm chí vượt chỉ tiêu Trung ương đề ra, nhưng không vì thế mà tỉnh chủ quan, lơ là. Ông yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần rà soát lại các dự án, nhiệm vụ BVMT để có sự bổ sung kịp thời để Bình Dương phát triển bền vững về mọi mặt.

 Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đến nay, tỉnh đã thực hiện hoàn thành 8/10 chỉ tiêu, như: Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để và không để phát sinhh trường hợp mới; tỷ lệ dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp với quy hoạch và phải có hệ thống xử lý nước thải và BVMT; tỷ lệ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải và xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom xử lý, tiêu hủy; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý, tiêu hủy...

Trong số 2 chỉ tiêu chưa đạt có 1 chỉ tiêu rất khó đạt được vào năm 2020 là tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý. Nguyên nhân là do tỉnh có 5 đô thị (gồm 1 thành phố và 4 thị xã) nhưng hiện nay mới chỉ có 3 đô thị đã hoàn thành hoặc đang triển khai dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị là TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An; hai đô thị còn lại là TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên chưa có nguồn vốn để triển khai dự án.

 XUÂN VĨ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=395
Quay lên trên