Thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử còn chậm

Cập nhật: 05-09-2023 | 08:31:52

Theo lộ trình của Bộ Y tế về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, các cơ sở y tế, bệnh viện phải kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, cơ sở bán lẻ thuốc cũng phải thực hiện bán thuốc theo đơn. Tuy nhiên, kết quả triển khai đơn thuốc điện tử trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn.

 Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận thuốc cho bệnh nhân điều trị nội trú

 Hơn 490.000 đơn thuốc được liên thông

Ghi nhận của phóng viên tại một số nhà thuốc ở các phường An Phú, Bình Chuẩn (TP.Thuận An), Thái Hòa, Tân Phước Khánh (TP.Tân Uyên), Mỹ Phước (TX.Bến Cát)... bất cứ ai muốn mua thuốc gì cũng đều được mà không cần đơn kê của bác sĩ, kể cả thuốc kháng sinh. Tình trạng mua thuốc không đơn vẫn diễn ra bình thường, nhất là đối với các loại thuốc buộc phải kê đơn hay dùng đơn cũ để mua thuốc tự điều trị. Thậm chí nhiều người dân còn mượn đơn của người có bệnh giống mình để đi mua thuốc.

Mua thuốc theo đơn điện tử đối với nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn lạ lẫm. Nhiều người bệnh và nhà thuốc vẫn chưa biết quy định đơn thuốc điện tử. Thống kê của ngành y tế tỉnh, từ đầu năm đến nay, công tác liên thông trên hệ thống đơn thuốc quốc gia tăng 300% so với cuối năm 2022 nhưng thực tế kết quả vẫn còn rất khiêm tốn. Hiện toàn tỉnh đã có 143 cơ sở khám, chữa bệnh được cấp mã liên thông nhưng chỉ có 77 cơ sở đã liên thông, 1.507 bác sĩ cấp mã kê đơn thuốc điện tử và 490.115 đơn thuốc đã được liên thông trên hệ thống đơn thuốc quốc gia. Con số này so với tổng số lần khám, chữa bệnh của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay (2,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh) là rất ít. Theo lộ trình của Bộ Y tế về chuyển đổi số, các cơ sở y tế phải kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 31-12- 2022 và các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải triển khai kê đơn thuốc điện tử trước ngày 30-6- 2023. Các cơ sở bán lẻ thuốc cũng phải thực hiện bán thuốc theo đơn.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Tự ý mua thuốc không cần phải kê đơn của bác sĩ hoặc mua nhiều lần trên một đơn thuốc vẫn đang được thực hiện rất dễ dàng, khiến Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước mối đe dọa ngày càng tăng của tình trạng kháng kháng sinh (hiện tượng vi khuẩn có khả năng chống lại tác động của kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn). Việc triển khai hệ thống khép kín trên toàn quốc đối với đơn thuốc điện tử sẽ tránh việc mua thuốc tràn lan, giúp kiểm soát, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý”.

Quản lý bán thuốc theo đơn gặp nhiều khó khăn

Để quản lý tình trạng bán thuốc không có đơn của bác sĩ, Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám, chữa bệnh kê đơn thuốc điện tử và liên thông trên hệ thống đơn thuốc quốc gia. Đặc biệt, Sở Y tế cũng có văn bản yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn trực tiếp khẩn trương hoàn thành việc đăng ký tài khoản cơ sở khám, chữa bệnh và tài khoản liên thông cho y, bác sĩ trên hệ thống đơn thuốc quốc gia; hướng dẫn, đôn đốc các bác sĩ, y sĩ kê đơn thuốc thực hiện đăng ký thông tin mã bác sĩ trên hệ thống; giám sát việc liên thông, gửi đơn thuốc lên hệ thống từ phần mềm quản lý khám, chữa bệnh của đơn vị.

Trong khi đó, các cơ sở khám, chữa bệnh đã được liên thông buộc phải gửi đủ đơn thuốc đã kê cho người bệnh ngay khi kết thúc quá trình thăm khám ngoại trú. Ở bệnh nhân nội trú, các cơ sở buộc phải gửi tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị lên hệ thống sau khi bệnh nhân ra viện. Đối với việc kết nối kê đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo đơn, Sở Y tế yêu cầu các nhà thuốc, quầy thuốc bệnh viện thực hiện kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia, tiếp nhận đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo đơn điện tử.

Các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn duy trì cập nhật phần mềm nhận định đơn thuốc điện tử, thực hiện việc bán thuốc theo mã đơn thuốc và gửi báo cáo về đơn thuốc đã bán trên hệ thống đơn thuốc quốc gia của Bộ Y tế. Tuy nhiên đến nay, rất nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân và các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh vẫn cố tình chưa biết về việc phải kê đơn thuốc điện tử và bán thuốc phải theo đơn.

 “Hiện việc quản lý bán thuốc theo đơn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Có hiện tượng người dân mượn đơn thuốc của nhau để tự điều trị cho mình, thay vì đi khám bệnh. Các nhà thuốc không thể nắm được đơn thuốc đã bán hay chưa bán. Đơn thuốc được kê, người bệnh có thể đi mua ở nhiều nơi, nhiều lần khác nhau. Tính chính xác của mỗi đơn thuốc người bệnh mang tới cơ sở bán lẻ thuốc là rất khó xác định”.

(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên