(Tiếp theo số báo ra ngày 23- 3-2017)
Bao kỷ niệm, nhớ thương người vợ hiền lúc gian nan trở về với ký ức Sáu Lầu. Đúng là chỉ những ngày làm ruộng, đắp bờ sớm tối bên nhau là những ngày hạnh phúc nhất. Hạnh phúc nhưng linh cảm cái câu “Tam niên vô tử bất thành thủ” đến gần, để phải xa nhau. Ôi, không có con sao là lỗi của đàn bà, mà chế độ phong kiến áp đặt tàn nhẫn? Chị vợ nhận thức rằng bà mẹ chồng không bao giờ chấp nhận để chị là “mối hao tuyệt tự” dòng họ Cao. Trước sau gì cũng phải xa nhau, tính trước cho đỡ khổ... Rồi một buổi sáng khi anh chồng vào rừng móc tràm lụt, chị ở nhà lo cơm nước xong xuôi, lục lọi xếp mấy bộ đồ vào cà vun, chọn bộ tốt nhất mặc đi đường “sợ mang chằng, mang lưới, cô bác cười bên chồng tội nghiệp”. Quyết định dứt khoát rồi mà chị đi không được. Hết nhìn cái chén, đôi đũa, đến bộ vạt, cái mùng… thứ nào cũng quen, cũng mến. “Nó là của vợ chồng mình mà”, chị khóc nức nở, rồi chôn chân tại đó. Chỉ đến khi anh chồng về, chị mới bừng tỉnh nhổ chân lên được vội chạy ra đường. Anh chồng biết chuyện không lành kêu tên vợ đuổi theo. Con chó chạy bên gót chị vượt lên trước chặn đầu vừa sủa, vừa rên… Con vật khôn ngoan linh cảm như sắp mất một người chủ vĩnh viễn, nếu như nó không ra sức cản ngăn. Chị thì nước mắt như mưa, quỳ xuống ôm nó vào lòng. Những giọt nước mắt của chị rơi xuống mặt nó, nó mừng rỡ đập đuôi xuống đất, mặt nó ngẩng lên, hai lỗ tai dựng đứng chờ nghe chị dạy:
- Con ở lại với ba, đừng để ba con một mình!
Anh chồng đuổi kịp, ôm vợ vào lòng, vừa thở, vừa nói: “Con chó em còn thương nó, không đành bỏ nó, còn anh em không thương sao?”. Chị gục vào vai chồng, cả hai cùng khóc… Sáu Lầu an ủi vợ: “Má nói vậy, chớ anh biết má cũng thương em lắm. Bây giờ chưa đẻ, dần dần cũng đẻ thôi có gì đâu mà lo”. Con chó chạy loanh quanh bên hai người, khe khẽ rên, hình như nó cũng khóc. Tối ấy anh chồng làm cá lóc, chị vợ nấu cháo. Hai người ngồi ăn chuyện giảng hết đêm…
Du khách tham quan rất ấn tượng với kiến trúc và biểu tượng của Khu lưu niệm ĐCTT Nam bộ và Cao Văn Lầu tại TP.Bạc Liêu Ảnh: LONG VĨNH
Hôm sau về tới Bạc Liêu, chị vợ nói với chồng: “Anh về nhà trước, em qua chợ sắm ít đồ”. Nhưng rồi qua bữa, qua ngày, quá nửa đêm mà không thấy chị về. Anh biết chị không về nữa, nhưng anh vẫn đợi và anh vẫn đợi biết bao đêm… Biết vợ mình về bên bà già vợ, ở Điền Tư Ô có xa gì đâu. Gần một năm rồi, nhớ đứt ruột gan mà chẳng dám đi thăm, sợ ba, má mình buồn. Tiếng trống bên chùa Vĩnh Phước, nơi ba năm làm chú tiểu nghe riết chán tai, có khi còn bực bội nữa, nhưng sao đêm nay nghe buồn quá, thê thảm quá. Tất cả chỉ còn một mình ta cùng mấy phím tơ lòng… Bên em có tiếng trống chùa không? Anh sẽ viết cho em bài ca thương nhớ! Em ơi, anh sẽ viết cho em…
Thùng… thùng… thùng! Giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng trống canh chùa Vĩnh Phước vọng về, như cố ý trêu chọc nỗi đau, kỷ niệm đắng cay đầy nước mắt của Sáu Lầu đêm đêm mỏi mòn nhớ vợ. Ơi, nước mắt! Nước mắt của cha mình, trong nước mắt có máu. Hai lần bị cướp đất bỏ cơm, bỏ nước, nằm liệt giường, liệt chiếu, tưởng chừng không sống nổi. Suốt đời ông, đời cha, đến đời mình không có cục đất liệng chim. Nước mắt của đôi vợ chồng nghèo bất hạnh với nhiều oan khiên hờn tủi, ngay cả trong phím đàn của mình cũng có nước mắt… Hỏi ở cái tổng Thanh Hoa, làng Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu còn có ai khổ hơn mình nữa không? Hết đêm này, sang đêm khác những ý nghĩ về một bài ca nung nấu trong tâm can Sáu Lầu, muốn rứt ra mà không được. Không biết bên Điền Tư Ô có nghe được tiếng trống này không, để báo tin cho nàng biết đã đến canh mấy rồi mà sao hai người không ai ngủ được? Nàng thì đã thành người vọng phu, còn mình sao không thành người lính trận?
“Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Năm canh mơ màng
Thiếp luôn trông tin chàng
Gan vàng quặn đau…”.
Sáu Lầu lẩm nhẩm mấy đoạn lời mà anh vừa ý, ghi ra thành nhạc. Rồi tìm chữ nhạc khớp với lời ca, tìm lời ca cho hợp với chữ đờn… Đã bao tháng ngày anh làm cái công việc xào nấu đó để đôi đàng đừng bên nào chắc bên nào lép. Thật là một việc làm nhiều công phu. Phải vất vả tìm kiếm, làm thế nào nói cho được tâm trạng của vợ mình. Nỗi đau khổ của cảnh chia ly, trên cái nền đau khổ chung oan nghiệt mất ruộng, mất vườn…
Không biết đã trải qua bao nhiêu ngày đêm viết đi, viết lại, bôi xóa hiệu đính bằng chữ thập, khoanh tròn và bằng mũi tên xuyên ngang, xẻ dọc theo cuốn sổ, trong mảnh giấy rời, hiện các chữ: hò, xự, xang, xê, cống… Phía dưới chữ đờn là mỗi lời ca được gạch đôi, hoặc gạch chéo theo nhịp nhàng anh quy định. Chúng đứng chi chít như một rừng cây. Bài ca của anh có cái hồn mượn tiếng trống của chùa Vĩnh Phước làm nhịp cầu nhớ thương, mong đợi của người thiếu phụ vọng phu nghe tiếng trống đêm nhớ chồng.
Chủ đề xoay dần thành người vợ hiền lành, chung thủy nhớ chồng là một lính trận đang chiến đấu ở chiến trường xa. Đó là vợ anh đêm đêm nhớ thương đợi chờ… là anh đang đổ máu giành lại đất đai bị cướp đoạt… là sự mong đợi của vợ chồng “cho én nhạn hợp đôi”…
Giữa lúc Sáu Lầu dở dang, sửa chữa, say mê với phác thảo “bài ca tặng vợ” thì bà mẹ vợ anh đến báo tin: “Má đã đưa vợ con ở đậu nhờ nhà ông Chín Đại”. Bà vừa khóc, vừa nói: “Nó nhớ mày, khóc hoài. Đêm nào nó cũng kêu tên mày, làm sao má chịu nổi. Tội nghiệp con nhỏ, nó ốm nhom, ốm nhách”! Đêm ấy vợ chồng Sáu Lầu gặp nhau. Họ khóc thật nhiều mà chẳng nói được bao nhiêu. Sáu Lầu càng nung nấu quyết tâm hoàn thành bài ca cho người yêu… Rồi sự giao thoa giữa nhạc và tình tạo nên thành quả. Một đêm đầy sao, Sáu Lầu không ngờ vợ anh báo tin vui trước: “Anh ơi, em… đã có thai!”. Niềm hy vọng từ lâu bất ngờ làm anh chồng sung sướng rơi nước mắt. Anh âu yếm vuốt ve mái tóc người vợ, thì thầm: “Em ơi, má sẽ cưng em!”. Người vợ sung sướng áp má vào ngực chồng, bao khổ đau tan biến, chỉ còn tim anh thổn thức âm vang.
Cái tin quan trọng, vợ Sáu Lầu có thai như một luồng điện từ căn nhà cô đơn, hiu quạnh của ông bà Giỏi lan truyền đến bạn bè lối xóm. Bà Giỏi mặt mày rạng rỡ, gặp ai cũng khoe: “Vợ thằng Lầu có thai rồi. Nó thèm chua, chắc là con trai”. Bà Giỏi không còn lụm cụm, cáu gắt phiền muộn mà trở nên khỏe khoắn vui tươi… làm tất cả mọi công việc nhà thay con dâu. Bà trông coi cái ăn, cái ngủ, đi đứng của nàng dâu một cách kỹ lưỡng. Thấy nàng dâu bước ra đường, bà vội cất tiếng dặn dò: “Đi chầm chậm nghe con, coi chừng cái mương trước sân đó!”. Dường như lúc nào bà cũng ở bên nàng dâu. Đêm đêm lắng nghe hơi thở, tiếng trở mình của nàng dâu. Bất cứ canh mấy, bà cũng lên tiếng hỏi ngay: “Bộ không ngủ được hả con, có đói bụng không?”...
Cái hôm nàng dâu chuyển bụng, ông bà Giỏi đốt nhang khấn trời, cầu phật đủ tám hướng, mười phương. Cho đến khi nghe tiếng trẻ khóc chào đời, bà Giỏi hỏi ngay: “Con trai hay con gái vậy bay?”. “Hoàng nam!” Tiếng chị mụ vườn vui vẻ báo tin. Bà Giỏi hả dạ vui mừng đến trào nước mắt…
Rồi một đêm trời đầy sao, trăng sáng vằng vặc, Sáu Lầu mang về cho vợ bài ca mà lâu nay anh khổ công tìm kiếm. Anh đờn hát cho chị nghe bài “Dạ cổ hoài lang” như ngày nào khai hoang, vỡ ruộng ở dưới họng Chàng Bè. Chị sụt sùi xao xuyến:
- Người đàn bà trong bài ca sao giống em quá vậy?
Anh phấn chấn trả lời:
- Thì anh viết cho em mà, bao khổ đau, thương nhớ anh dồn vào bài ca là để cho em! Chị vợ cười sung sướng áp mặt vào ngực chồng mà nước mắt chảy rần rần. Chị có đâu ngờ bài ca “Tình sử” chuyển tải tình yêu thương mà Sáu Lầu tặng cho chị, sau trở thành bài vọng cổ để lại cho muôn đời.
TRỌNG ĐẠT