Tiêm chủng phòng bệnh: Chung tay bảo vệ cộng đồng

Cập nhật: 02-05-2019 | 08:51:33

Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm nay (diễn ra từ ngày 24 đến 30-4 vừa qua) có chủ đề “Chung tay bảo vệ cộng đồng: Hiệu quả của vắc-xin!” nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng vắc-xin bảo vệ mọi lứa tuổi trong cộng đồng trước nguy cơ bệnh dịch...

 Không nên “quay lưng” với vắc-xin

Lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là rất lớn, góp phần tích cực trong việc đẩy lùi nhiều bệnh tật nguy hiểm. Tuy nhiên, thời gian gần đây có một số trường hợp trẻ có phản ứng, thậm chí là tử vong sau khi tiêm vắc-xin nên nhiều bậc cha mẹ đã “quay lưng” với vắc-xin dù qua điều tra của hội đồng chuyên môn đã khẳng định những ca tử vong này không hề liên quan đến chất lượng vắc-xin. Đây là điều rất đáng lo ngại hiện nay, bởi nếu trẻ không được tiêm vắc-xin đầy đủ thì nguy cơ mắc bệnh là rất lớn.

Chị Phan Thị T. ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một cho biết, vợ chồng chị có 2 con, đứa lớn nay cũng học cấp 2 rồi, còn đứa nhỏ đang học mẫu giáo. “Đứa đầu nhà tôi học lớp 7 nhưng cũng không thấy bệnh tật gì. Hồi cháu còn đi học mẫu giáo vợ chồng tôi còn cho con đi tiêm vắc-xin, sau này, đọc nhiều thông tin trên mạng thấy trẻ tiêm vắc-xin hay có phản ứng, thậm chí tử vong nên tôi không cho cháu đi tiêm nữa...”, chị T. nói. Điều đáng buồn là có nhiều cha mẹ khác mà chúng tôi tiếp xúc cũng có chung quan điểm như chị T. Họ chỉ thấy trước mắt con cái mình vẫn khỏe mạnh, lớn lên hàng ngày nên chưa thật sự quan tâm đến việc đưa con mình đi tiêm vắc-xin phòng bệnh. Trên một số trang mạng xã hội còn thành lập hội “Nói không với vắc-xin”, tập hợp những người thiếu hiểu biết, những bậc cha mẹ có con nhỏ đang lo lắng về những phản ứng sau khi tiêm vắc-xin và rủ nhau “quay lưng” với vắc-xin. Đây là điều rất nguy hiểm, bởi nếu trẻ không được ba mẹ đưa đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ thì bệnh tật có thể phòng được bằng vắc-xin - rất có thể sẽ đến với chúng bất cứ lúc nào. Dịch bệnh cũng từ đó có thể quay lại trong cộng đồng.

Một trẻ em mắc sởi được điều trị tại Trung tâm Y tế TX.Thuận An

Từ khoảng tháng 8-2018 đến những tháng đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh được ghi nhận tăng rất cao. Vì thế, Bình Dương được chọn là một trong những tỉnh triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Từ cuối năm 2018 đầu năm 2019, ngành y tế đã tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ trong độ tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi tiêm trong chiến dịch chưa đạt kết quả như mong muốn mà ngành đã đề ra. Do số lượng trẻ tiêm vắc-xin chưa đạt nên ngành y tế vẫn đang tiếp tục tổ chức tiêm vét cho những trường hợp chưa đi tiêm trong chiến dịch. Thế nhưng, theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến thời điểm này, tỷ lệ đi tiêm mới đạt khoảng 80% số đối tượng. “Ngành y tế vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động các bậc cha mẹ đưa con em trong độ tuổi đi tiêm để phòng bệnh cho con em mình”, bác sĩ Mỹ nói.

Lợi ích của vắc-xin trong phòng bệnh

Đến nay, đã có 12 vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, trong chương trình tiêm chủng mở rộng còn có vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai. Trong thời gian qua, chương trình tiêm chủng đã mang lại những lợi ích hết sức to lớn trong việc phòng bệnh, đẩy lùi và thanh toán nhiều bệnh tật nguy hiểm. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam.

Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, khẳng định lợi ích của việc phòng bệnh bằng vắc-xin đã được cả thế giới công nhận. Tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp quan trọng, hiệu quả nhất nhằm tạo ra sức đề kháng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thực tế, trong thời gian qua, với việc triển khai chương trình tiêm chủng, hàng năm, hàng triệu trẻ em trong cả nước đã được bảo vệ trước những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến. Do đó, để phòng bệnh, bác sĩ Mỹ khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên đưa con em mình đi tiêm chủng các loại vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. Bởi, một khi trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, không đúng lịch thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao do không có miễn dịch bảo vệ. Đặc biệt, các bậc cha mẹ có con nhỏ không nên “quay lưng” với vắc-xin bởi hậu quả của nó rất nguy hiểm, không chỉ đối với sức khỏe của con em mình mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng xã hội.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=923
Quay lên trên