Hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin ngừa Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Trong khi hiệu lực phòng bệnh của vắc xin giảm tương đối nhanh, người dân lơ là không đi tiêm vắc xin Covid-19 thì chính quyền và ngành y tế vẫn nỗ lực triển khai bằng mọi giải pháp đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho người dân.
Người dân lơ là không tiêm vắc xin Covid-19
Những ngày qua, đồng loạt các địa phương trong tỉnh tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân trên địa bàn tỉnh. Qua ghi nhận thực tế, một số địa phương làm rất tốt công tác tổ chức, vận động người dân, người lao động đi tiêm vắc xin Covid-19 đạt kết quả cao. Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh phối hợp cùng với các địa phương: TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 liều nhắc lại (mũi 4) cho công nhân, người lao động tại các KCN. Ban Quản lý các KCN tỉnh cử từ 2 - 3 cán bộ, nhân viên tham gia hỗ trợ các địa phương tổ chức tiêm vắc xin cho người lao động.
Tiêu biểu như tại TX.Tân Uyên. Trong 3 ngày qua, toàn thị xã đã huy động tổng lực tham gia tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Thống kê toàn thị xã đã tiêm được hơn 20.100 liều; trong đó có hơn 11.700 người tiêm mũi 4, hơn 6.800 người từ 12 - 17 tuổi tiêm mũi 3 và còn lại là tiêm vét mũi 1, mũi 2. Trong khi đó tại điểm tiêm lưu động cho các công ty thuộc phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, hơn 150 công nhân của Công ty TNHH Tân Á, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Hoằng Việt, Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Innocraft Việt Nam đã đăng ký tiêm liều bổ sung (mũi 3) và liều tăng cường (mũi 4). Ngay sau đó, lực lượng y tế phường tiếp tục duy trì tiêm lưu động tại các khu nhà trọ, nhà dân và tổ chức điểm tiêm cố định tại Trạm Y tế phường.
Phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại nhà cho người dân
iện ngành y tế tỉnh cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin. Tuy nhiên, người dân không còn mặn mà đi tiêm vắc xin Covid-19 với tâm lý chủ quan cho rằng tiêm vắc xin vẫn mắc bệnh. Đặc biệt, người dân e ngại di chứng sau tiêm nên dẫn đến hệ số sử dụng vắc xin chưa cao. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia đều xác định vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vắc xin Covid-19 đã và đang làm giảm dần số ca nhiễm cũng như số lượng bệnh nhân chuyển nặng, giảm số lượng người nhập viện điều trị và giảm nguy cơ tử vong. Dù càng ngày càng có thêm nhiều biến thể SARS-CoV- 2 nhưng vắc xin Covid-19 vẫn đang làm tốt vai trò bảo vệ con người trước dịch bệnh.
“Hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin ngừa Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vắc xin tạo ra kháng thể để phòng bệnh giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ của vắc xin Covid-19, người dân cần tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, nói.
Công ty, doanh nghiệp không đồng ý tiêm phải ký biên bản
Hiện nay các địa phương đang khẩn trương triển khai tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và mũi 4 cho người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm cao, cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu. Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết: “Địa phương chủ động rà soát người lao động trong các công ty, xí nghiệp chưa tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và ưu tiên triển khai sớm cho công nhân có nguy cơ lây nhiễm cao. Riêng đối với người đã tiêm mũi bổ sung sau đó mắc Covid-19, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động tham gia tiêm mũi nhắc lại để tăng miễn dịch cộng đồng”.
Trước thực tế tiến độ tiêm vắc xin chậm, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế đẩy mạnh phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường triển khai, thành lập các điểm tiêm cố định, lưu động tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể chịu trách nhiệm mời người dân đến các điểm tiêm. Đặc biệt, ngành và các địa phương phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… thành lập các điểm tiêm tại các trường để tiêm liều nhắc lại cho giáo viên, sinh viên, học sinh.
“Công ty, doanh nghiệp nào không đồng ý tiêm thì phải ký biên bản, cam kết chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh Covid-19 tại công ty, doanh nghiệp. Ban Quản lý các KCN tỉnh báo cáo số lượng các công ty, doanh nghiệp không đồng ý cho công nhân, người lao động tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Ban Quản lý tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh thành lập điểm tiêm tại tòa nhà để triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 4 cho cán bộ, công chức viên chức. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong việc bố trí các điểm tiêm phù hợp cho các đơn vị cấp tỉnh không có trụ sở tại Trung tâm Hành chính tỉnh. Ngành phấn đấu 100% cán bộ công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn, lực lượng tuyến đầu các cấp phải hoàn thành tiêm vắc xin liều nhắc lại”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nói.q
Hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin ngừa Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vắc xin tạo ra kháng thể để phòng bệnh giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ của vắc xin Covid-19, người dân cần tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh.
KIM HÀ