'Tiệm' tóc miễn phí dưới chân cầu vượt của chàng trai nghèo

Cập nhật: 29-05-2015 | 10:21:23

Giữa cái nắng như đổ lửa những ngày cuối tháng năm, giữa dòng xe cộ ngược xuôi tấp nập thì ngay bên hông đường, dưới chân cầu vượt bộ hành khu bệnh viện Ung bướu (Bình Thạnh, TP.HCM) có một chàng trai dáng người dong dỏng đang tỉ mẩn đưa từng đường kéo cắt tóc cho bệnh nhân nghèo.

Nguyễn Trung Toàn – chàng trai hớt tóc miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Đó là Nguyễn Trung Toàn, 28 tuổi, quê ở Bình Thuận. Đưa tay quệt vội mồ hôi, Trung Toàn nhẹ nhàng hỏi tôi: “Em cũng cắt tóc hả hay có việc gì?”. Khi thấy tôi tiến lại gần chỗ anh. Tôi vội vàng đáp: “Không”. Anh mỉm cười rồi lại tiếp tục công việc của mình.

Lúc này mặt trời cũng đứng bóng, đã giữa trưa nhưng anh vẫn chưa ngơi tay vì vẫn còn người đứng đợi. Nhìn những khuôn mặt khắc khổ của người bệnh, gương mặt nhọc nhằn mưu sinh của chú xe ôm… Và nhìn sang là khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của Trung Toàn, nhưng trên môi anh không lúc nào ngớt nụ cười.

Cắt tóc tình nguyện trả ơn đời

Trước kia, Trung Toàn từng học Cao đẳng Ô tô - Trường đại học Công nghiệp TP.HCM. Nhưng sau khi ra trường, cảm thấy ngành không hợp với mình, anh từ bỏ và chuyển qua học cắt tóc.

Hiện tại Trung Toàn làm thợ cắt cho một tiệm tóc nhỏ, ngoài ra anh còn làm phụ bếp thêm ở quán của người quen để kiếm thu nhập.

Hằng ngày, cứ mỗi buổi chiều lại Trung Toàn chạy xe ra đây để cắt tóc cho người nghèo. Riêng Chủ nhật anh làm cả ngày.

Không cần ghế nệm rườm rà, không kính chiếu gương soi, chỉ với chiếc ghế nhựa đơn giản, cây tông-đơ, chiếc kéo nhỏ và một vài vật dụng anh đã có thể tạo cho những vị khách hàng đặc biệt những kiểu tóc ưng ý và phù hợp nhất.

Khi được hỏi về công việc này xuất phát từ đâu, anh chia sẻ: “Có lẽ trước tiên, nó xuất phát từ cái tâm, tôi rất muốn làm việc gì đó ý nghĩa giúp đỡ mọi người. Bên cạnh đó, đây cũng là một việc làm nhỏ để trả ơn. Trước kia, khi còn đi học, nhà nghèo nên tôi thường đến trước cổng bệnh viện để ăn cơm chay từ thiện. Còn bây giờ, tôi đã có thể đi làm, lại cũng có cái nghề riêng nên tôi lấy nó làm việc để giúp đỡ mọi người”.

Với Trung Toàn, giúp được ai cứ giúp, làm được điều gì ý nghĩa cứ làm, cuộc sống cần nhiều tình yêu thương hơn nữa và con người sống thì đừng nên lạnh nhạt với nhau. Vì lẽ đó anh vẫn cặm cụi làm công việc này một cách âm thầm như vậy.

Trung bình, một chiều anh cắt cho hơn chục người, còn đối với Chủ nhật làm nguyên ngày thì có thể hơn 20 người. Có những khi đông, người này phải đứng đợi người kia để tới lượt mình cắt.

Sống để hoạt động tình nguyện

Sinh ra trong một gia đình có 7 anh em trai, điều kiện khá vất vả, Trung Toàn càng ý thức hơn về gánh nặng cuộc sống. Do đó anh luôn tâm niệm, sẽ sống và làm tình nguyện để giúp đỡ những cuộc đời khó khăn hơn mình.

Sài Gòn mưa nắng thất thường, nhưng hàng ngày anh vẫn dành thời gian rảnh để làm công việc ý nghĩa. Hỏi anh về những khó khăn đó, Toàn tươi cười: “Làm việc thiện mà còn ngại khó khăn thì làm làm gì, mưa nắng này thì có thấm gì cơ chứ?”.

Anh cũng chia sẻ thêm: “Mỗi lần cắt tóc xong cho mọi người tôi vui lắm, nhìn họ cười là tôi cũng cười theo và cảm thấy mình vừa làm thêm được một việc có ý nghĩa nên cảm thấy hạnh phúc và cuộc đời cũng vì thế mà trở nên đẹp hơn”.

Thế nhưng với chàng trai trẻ này, những việc anh làm chưa có gì to tát, khi được hỏi về mình anh chỉ cười xòa và nói vẫn chưa làm được gì cả.

Mong ước của Trung Toàn là có thể giúp đỡ được cho mọi người nhiều và nhiều hơn nữa. Anh mong một ngày mở được một tiệm tóc để khi ấy những người nghèo không còn phải ngồi chịu nắng nóng như bây giờ.

Một điều đáng nói ở Trung Toàn đó là anh rất ham đọc sách. Anh hầu như không lên mạng xã hội, hay chơi game giải trí bao giờ. Với anh đó là những hành động phù phiếm lãng phí thời gian, thay vào đó bất cứ khi nào rảnh rỗi anh đều đọc sách, với Toàn sách là người bạn vô cùng thân thiết vì nó không chỉ bổ sung kiến thức mà còn giúp bản thân thấy thêm yêu cuộc sống này.

Có thể nói, từng lời chia sẻ của Trung Toàn dù chân chất, mộc mạc nhưng lại khiến bất kì ai trong chúng ta phải suy nghĩ. Đó là cái đạo lý đơn giản biết đền ơn đáp nghĩa, thương người như thể thương thân mà người Việt ta vẫn thường dặn nhau qua bao thế hệ.

Theo TPO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1928
Quay lên trên