Trong điều kiện “bình thường mới”, người dân cần phải làm gì để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19? Để người dân hiểu rõ và thực hiện nghiêm phương châm “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác”, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế về phương châm này.
- Xin tiến sĩ cho biết rõ hơn vai trò của người dân trong phương châm chống dịch “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác” của Bình Dương?
- Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường trong nước và cả trên thế giới. Trong điều kiện “bình thường mới”, để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, tỉnh chuyển từ công thức “5K” sang phương châm “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác”. Người dân cần phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm của người “chiến sĩ” trong mặt trận phòng, chống dịch bệnh với vai trò là trung tâm, chủ thể. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Người dân không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng bệnh khi đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Trong ảnh: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thủ Dầu Một nhắc nhở, xử lý các cơ sở kinh doanh không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: MINH DUY
Mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Khai báo y tế - Không tụ tập đông người”; liên hệ ngay trạm y tế địa phương để được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1 và mũi 2 khi đủ điều kiện; tự thực hiện test nhanh kháng nguyên Covid-19 tại nhà, tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác... hoặc nghi ngờ có tiếp xúc với người nghi mắc Covid-19; khi cần cấp cứu y tế, người dân liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất, Tổng đài 1022 hoặc số điện thoại đường dây nóng của Đội phản ứng nhanh trên các lĩnh vực cấp cứu, hỗ trợ y tế, cứu trợ, bảo đảm an ninh trật tự của địa phương để được ứng cứu kịp thời; cài đặt ứng dụng PC Covid với đầy đủ thông tin cá nhân cần thiết trên điện thoại thông minh, quét mã QR khi đến các địa điểm, như: Cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm, phương tiện công cộng, nhà máy. Dịch bệnh có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào nếu người dân chủ quan, lơ là, xem nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được ngành y tế khuyến cáo thực hiện.
- Thưa tiến sĩ, hiện nay một số người dân có tâm lý chủ quan cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh thì sẽ miễn nhiễm với Covid-19, quan điểm của tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
- Những ngày gần đây số ca mắc mới trong tỉnh có dấu hiệu tăng. Số ca nhiễm mới tăng nằm trong dự báo của ngành bởi vì khi mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại tăng hơn thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều có thể xảy ra. Theo khảo sát của ngành y tế, các ca mắc mới phát hiện đa phần là người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Do tâm lý chủ quan khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, một bộ phận người dân không tuân thủ nghiêm khuyến cáo của ngành y tế, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, hàng quán còn tụ tập đông người, không bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.
Người dân không nên chủ quan cho rằng tiêm vắc xin thì sẽ miễn nhiễm với Covid-19 và an toàn tuyệt đối. Người đã tiêm vắc xin, nhất là tiêm đủ 2 mũi trên thực tế khi bị nhiễm bệnh thì tỷ lệ bệnh nặng thấp hơn rõ rệt so với những người chưa được tiêm, song không loại trừ trường hợp chuyển nặng dẫn đến tử vong. Vắc xin giúp bảo vệ bản thân người được tiêm khỏi nhiễm bệnh và không may mắc bệnh thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn, giảm tỷ lệ nằm viện nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác. Hiện không một loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%, vì vậy sau khi được tiêm vắc xin, người dân vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Tiêm vắc xin là cách tạo miễn dịch cộng đồng, là một biện pháp phòng ngừa chứ không thể tiêu diệt được vi rút SARS-CoV-2.
Qua theo dõi các ca bệnh nặng và các trường hợp tử vong cho thấy, nhóm nguy cơ tử vong cao tập trung vào trường hợp mắc Covid-19 có bệnh nền, lớn tuổi và chưa tiêm vắc xin. Tuy nhiên, khi số ca bệnh tăng, người trẻ tuổi, đã tiêm đủ liều vắc xin vẫn có thể mắc bệnh nặng và tử vong. Hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, người dân cần thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Đối với những người tiếp xúc bên ngoài nhiều cần thận trọng, tránh mang mầm bệnh về cho người thân trong gia đình.
- Như vậy, thưa tiến sĩ, chúng ta cần phải có giải pháp gì để nâng cao ý thức người dân, tránh tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh?
- Có thể nói Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã tạo ra sự tích cực trong sản xuất và đời sống người dân.
Do chưa hiểu đúng, chưa hiểu đủ về tinh thần của nghị quyết, một bộ phận người dân có biểu hiện lơ là trong phòng, chống dịch bệnh. Trong khi đó, một số người dân chưa hiểu đúng về vắc xin ngừa Covid-19 nên chủ quan, thiếu cảnh giác, uy hiếp đến sự an toàn sức khỏe cộng đồng. Thực tế những ngày gần đây cho thấy, nhiều người có tâm lý rất chủ quan, lơ là, thường xuyên tập trung đông người tại các khu vực trung tâm, hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm quy định phòng, chống dịch bệnh. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa để người dân hiểu đúng về tình hình dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh tâm lý lơ là. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.
- Xin cảm ơn tiến sĩ!
HOÀNG LINH