Trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, Hùng Vương là vị Vua Thủy tổ, là tổ tiên chung, có công lao khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi, tạo dựng nên quốc gia, dân tộc. Người Việt Nam sống trọng tình, thờ cúng tổ tiên luôn được coi là việc đặc biệt hệ trọng trong đời sống, qua đó, thể hiện sự tri ân công đức, biết ơn các tiền nhân theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Vua Hùng là tổ tiên chung của cộng đồng quốc gia, dân tộc và ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ chung của đồng bào Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước cũng như ở nước ngoài, nơi có kiều bào Việt Nam sinh sống.
Theo các khảo cứu lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn và được tổ chức từ hàng nghìn năm trước khi An Dương Vương - Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh để thề “nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn, lưu ở miếu Tổ Hùng Vương; nguyện đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn gấm vóc mà Hùng Vương trao lại...”. Trải qua bao dâu bể thời gian, biến cố thăng trầm, thịnh suy của các triều đại phong kiến và ngay cả khi quốc gia, dân tộc bị xâm lăng, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ, lan tỏa sâu rộng trở thành niềm tin thiêng liêng của mỗi người, tạo nên điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, giữa bộn bề công việc cấp bách chống thù trong giặc ngoài, củng cố chính quyền non trẻ, năm 1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức Nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương… Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Từ lòng biết ơn đến tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên, gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng thờ một tổ tiên chung của toàn dân tộc: Các Vua Hùng”.
Bao đời nay, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, con cháu Lạc Hồng khắp các vùng miền lại hướng về non thiêng Nghĩa Lĩnh, nơi thờ tự các Vua Hùng - Tổ tiên chung của dân tộc và hành hương về nguồn cội. Nhiều năm nay, với vai trò con trưởng tạo lệ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ luôn thay mặt đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài khói hương phụng thờ, tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trang nghiêm, thành kính, trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước. Với tinh thần trách nhiệm, tâm thành tri ân công đức tiền nhân, với nhiều cách làm sáng tạo trong huy động nguồn vốn xã hội hóa, quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng luôn được đầu tư tôn tạo khang trang, bề thế, xứng tầm là Khu Di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với các đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Đền Quốc Mẫu Âu Cơ đã được đầu tư xây dựng trên núi Vặn, Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng trên núi Sim… không những thể hiện trách nhiệm, tình cảm, đạo lý tri ân truyền thống với tiền nhân mà còn đáp ứng nhu cầu về dâng hương bái Tổ của cộng đồng dân tộc Việt.
Với tổng diện tích hơn 1.000ha (trong đó có 538ha rừng) cùng hàng chục điểm thờ cúng Hùng Vương, 5 năm trở lại đây, với hơn 350 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và công đức của các tổ chức, cá nhân, hàng chục công trình, dự án thuộc các nhóm dự án thành phần trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được triển khai xây dựng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Trong đó, nhiều công trình được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa như hạng mục công trình tu bổ tôn tạo Chùa Thiên Quang, khu vực Đền Hạ do thành phố Hà Nội và Tập đoàn Him Lam công đức; công trình cổng vào Khu trung tâm lễ hội Đền Hùng từ nguồn ủng hộ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; cải tạo hệ thống đường, bậc lên xuống các đền tại núi Nghĩa Lĩnh bằng việc thay thế toàn bộ đá xây, đá lát, đá bó vỉa từ đá Hải Lựu bằng đá granite Bình Định màu ghi, do các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp; cải tạo, chỉnh trang khu vực ngã 5 Đền Giếng do Công ty cổ phần ASIA công đức; xây dựng cầu đi bộ qua hồ Mai An Tiêm do Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô làm chủ đầu tư…
Tri ân công đức, báo hiếu tổ tiên không gì bằng hoàn thành ước nguyện, gìn giữ, phát huy, nhân lên giá trị thành quả, công sức tiền nhân để lại. Do đó, cùng với việc chăm lo hương khói phụng thờ, tổ chức Giỗ Tổ, tôn tạo lăng miếu, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân Phú Thọ đã chung sức đồng lòng tập trung phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng quê hương Đất Tổ ngày càng phồn thịnh. Những thành tựu đáng ghi nhận trong việc thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới hướng tới mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, Phú Thọ đã trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du miền núi phía Bắc và là minh chứng cụ thể cho những hành động thiết thực tri ân công đức tổ tiên của con dân Đất Tổ.
Để thiết thực tri ân công đức tổ tiên, thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cùng với việc gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, hào khí cha ông, dâng hương bái tổ, mỗi con Lạc cháu Hồng luôn nghiêm cẩn khắc ghi lời dạy về nghĩa đồng bào, đoàn kết một lòng đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng, bảo vệ vững chắc cơ nghiệp tiền nhân đã tạo dựng như lời Hồ Chủ tịch đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội và hạn chế tập trung đông người nên để thiết thực tri ân công đức các Vua Hùng, mỗi người dân đất Việt hãy cùng chung ý chí, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, khuyến cáo của ngành Y tế, thi đua yêu nước bằng các hành động cụ thể để nhân lên sức mạnh, tạo nền tảng vững chắc xây dựng quốc gia hùng cường theo ước nguyện của tổ tiên từ nghìn năm trước…
Theo Báo Phú Thọ