Tìm hướng phát triển cho ngành nghề nông thôn

Cập nhật: 22-10-2011 | 00:00:00

Sáng 20-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển ngành nghề, nông thôn. Điểm cầu Bình Dương với sự tham gia của lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương... cùng 62 tỉnh, thành khác trao đổi về những kết quả đạt được và khó khăn vướng mắc trong suốt thời gian qua.

Hội nghị đã đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện nghị định cũng như hướng dẫn thực hiện chính sách phát triển ngành nghề, nông thôn của các bộ, ngành Trung ương theo quy định; những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất, kiến nghị những chính sách cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

 Lao động nông thôn cần được đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất nấm tại trang trại gia đình. Ảnh: Cao Sơn

Hiện, cả nước có 4.575 làng nghề, trong đó có 3.251 làng có nghề và 1.324 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của Thông tư số 116/2006/TT - Nghị định 66/2006/NĐ–CP. Mức thu nhập từ sản xuất nghề cao hơn nhiều so với nguồn thu từ nông nghiệp, thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 450.00 đồng/tháng đến 4 triệu đồng/tháng, gấp 1,5 - 4 lần so với lao động thuần nông.

Với Bình Dương, thực hiện Nghị định số 66 của Chính phủ, 5 năm qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện, toàn tỉnh có 152 ngành nghề bao gồm cả truyền thống và mới phát triển, theo đó, các ngành nghề đã và đang từng bước được cơ giới hóa là nghề xay xát, làm bánh tráng, làm bún, chế biến hạt điều, sơ chế mủ cao su... Đã tổ chức được 76 lớp tập huấn về marketing, đào tạo nghề cho 1.550 lao động và đầu tư vào công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ với tổng nguồn vốn là 5.533 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ như: Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường đối với làng nghề; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề; tăng vốn tín dụng ưu đãi, vốn chương trình kích cầu của Nhà nước cho các cơ sở ngành nghề nông thôn được vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất mặt hàng mới, tăng cường xuất khẩu... với thủ tục đơn giản.

THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=293
Quay lên trên