Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Tối 16/12, tại Hà Nội, Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật, gặp gỡ nhân chứng lịch sử mang tên “Kiên cường Việt Nam” và Lễ công bố hai kỷ lục Quốc gia tôn vinh giá trị bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam.”Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020) và 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2020).
Sự kiện có sự tham gia của Tiến sỹ khoa học quân sự, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ "Mãi mãi tuổi 20;" đại diện lãnh đạo, Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng nhiều đại biểu.
Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham gia của hai cựu chiến binh, là nhân chứng lịch sử đến từ Quảng Ngãi: Thương binh Huỳnh Đoàn Sang và cựu chiến binh Nguyễn Tấn Một, đều là đồng đội chiến đấu của Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm tại địa bàn Đức Phổ ác liệt năm xưa.
Cựu chiến binh Huỳnh Đoàn Sang là thương binh được Bác sỹ Đặng Thùy Trâm trực tiếp mổ ruột thừa. Bác sỹ Thùy Trâm nhắc đến ông Sang ngay trang đầu tiên của cuốn nhật ký.
Cựu chiến binh Nguyễn Tấn Một là y tá ở cùng bệnh xá Bác sỹ Đặng Thùy Trâm phụ trách. Ông Một là người đưa gia đình Đặng Thùy Trâm lên núi đưa hài cốt liệt sỹ về đồng bằng…
Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã nghe hai cựu chiến binh Huỳnh Đoàn Sang và Nguyễn Tấn Một chia sẻ những câu chuyện thời chiến tranh và chuyện về Bác sỹ, Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm.
Cũng tại sự kiện, Lễ công bố hai kỷ lục Quốc gia tôn vinh giá trị bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” đã diễn ra, gồm: Tôn vinh Quỹ Mãi mãi tuổi 20 (thành phố Hà Nội) và tôn vinh Kỷ lục gia, Nhà văn Đặng Vương Hưng.
Trong đó, Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" là đơn vị có công tổ chức bản thảo, ấn hành bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam,” tổng hợp và biên soạn 31 tác phẩm nhật ký của 31 tác giả trong thời chiến tranh tại Việt Nam.
Nhà văn Đặng Vương Hưng đã có công sưu tầm, giới thiệu và chủ biên bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” trong 16 năm (2004-2020); tổng hợp và biên soạn 31 tác phẩm nhật ký của 31 tác giả trong thời chiến tranh Việt Nam.
Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, gồm 31 nhật ký của 31 tác giả, do Nhà văn, Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng làm chủ biên.
Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" phối hợp với Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành.
Bộ sách là công trình tâm huyết được thực hiện trong thời gian 16 năm (2004-2020) của cựu chiến binh, Nhà văn Đặng Vương Hưng, cùng nhóm cộng sự là những nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà sử học… có tên tuổi tham gia biên soạn.
Một điều đặc biệt là có tới 2/3 số tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, đã mất sau khi trở về, hoặc bị thương hoặc vì di chứng chiến tranh…
Có thể nói, ngoài giá trị tư liệu, lịch sử, văn hóa, xã hội…, bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” còn được xem như một di sản vô giá, mà các anh hùng, liệt sỹ, các cựu chiến binh đã để lại cho thế hệ mai sau.
Kể từ khi ra mắt độc giả, ngày 30/4/2020, bộ sách đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá rất cao của bạn đọc. Hai cuộc tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử giới thiệu bộ sách đã được tổ chức với sự chứng kiến của báo giới tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
Hàng trăm bài viết, chương trình phát thanh, truyền hình giới thiệu về bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam.” Hàng vạn bản PDF nội dung ruột của bộ sách đã được chia sẻ miễn phí qua Nhóm facebook “Trái tim Người lính,” với hơn 40.000 thành viên tham gia diễn đàn.
Chính vì thế, Hội đồng Thẩm định của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đồng thuận tuyệt đối trong việc bỏ phiếu xác lập và tôn vinh giá trị nội dung hai kỷ lục Quốc gia cho bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam.”/.
Theo TTXVN