Anh - từ trước ngày bầu cử đến nay vẫn ngày đêm trực chiến 100% quân số tại đơn vị. Còn chị - khi dịch bệnh bùng phát luôn là người ở tuyến đầu truy vết, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhận cuộc điện thoại của con gái trong làn nước mắt giàn giụa: “Ba ơi! Mẹ bị bệnh rồi. Xe cấp cứu tới trước nhà rồi, chuẩn bị chở mẹ đi. Ba mau về đi...”, anh thẩn thờ. Nhưng rồi, con ơi, ba sẽ về khi... hết dịch.
“Hết dịch, ba về liền”
Đó chính là hoàn cảnh của vợ chồng Trung tá Nguyễn Đức Lạng, Phó Chỉ huy trưởng Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP.Thủ Dầu Một. Như mọi ngày của anh em tại đơn vị. Sau bữa cơm chiều cuối tuần, tôi và anh ngồi nói chuyện. Thường lệ, tầm này mà chuông điện thoại reo, anh biết ngay là con gái gọi nhõng nhẽo đòi ba về. Hàng ngày vẫn những câu nói quen thuộc: “Ba ơi, con nhớ ba, con muốn ba về với con”... Rồi nước mắt cứ giọt ngắn, giọt dài... Còn anh vẫn câu nói cũ: “Ừ, ba biết rồi. Hết dịch, ba về liền với con. Mua cho con thật nhiều quà”.
Trung tá Nguyễn Đức Lạng kiểm tra tại khu cách ly tập trung
Hôm nay cũng vậy, anh nghe điện thoại trong tâm trạng phấn khởi, chuẩn bị được nghe giọng nũng nịu của cô con gái cưng. Nhưng điện thoại vừa kết nối thì anh nghe tiếng khóc rất lớn của con gái. Giọng con bé lạc đi: “Ba ơi! Mẹ bị bệnh rồi. Xe cấp cứu tới trước nhà rồi, chuẩn bị chở mẹ đi. Ba mau về đi. Về với con để chăm sóc mẹ...”. Bất ngờ với tình huống này, anh khựng người lại, như không tin vào tai mình, rồi vội vàng hỏi con: “Con nói từ từ cho ba nghe xem nào”. “Ba ơi! Người ta nói mẹ bị dương tính rồi”. “Chuyện gì vậy?! Mẹ đâu, đưa điện thoại cho ba liền đi. “Mẹ đang trong nhà, con không vô được, các chú không cho con với anh hai vô”. “Vậy anh hai đâu, đưa điện thoại cho anh hai liền đi”. “Anh hai đang gọi điện thoại cho ngoại”... Và giọng cậu con trai nói rất rành mạch: “Mẹ chuẩn bị ra xe rồi. Mấy chú không cho con lại gần mẹ. Ba ơi...”.
Tiếng con trai gọi ba, cũng là lúc tiếng còi hú của xe cấp cứu vang lên và xa dần...
Những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch
Cả anh và vợ đều là những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Nguy cơ lây nhiễm rất cao, chỉ là không biết mình sẽ bị nhiễm lúc nào mà thôi.
Vợ anh Lạng - chị Lê Thị Mậu, công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện Phú Giáo. Trong các đợt dịch bệnh bùng phát trên địa bàn huyện Phú Giáo, chị đều cùng đồng nghiệp tham gia tuyến đầu truy vết, ngăn chặn không cho dịch bệnh lây lan. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, xác minh từng đối tượng”, chị gặp trực tiếp từng bệnh nhân là F0, F1 để đưa vào khu điều trị, khu cách ly y tế tập trung. Có hôm đi đến 2 - 3 giờ sáng mới về được đến nhà. Có khi mấy ngày hai đứa con nhỏ còn không nhìn thấy chị. Bởi lúc chị về thì tụi nhỏ đã ngon giấc. Vội khử khuẩn, tắm rửa, vừa chợp mắt được khoảng 1 - 2 tiếng đã giật mình nghe tiếng điện thoại reo. Tổ truy vết báo có ca F0, chị lại vội vàng chạy đi...
Thời gian đầu, hai anh em chở nhau chạy qua bà ngoại. Gần đây, dịch bệnh bùng phát mạnh, hai anh em tự nuôi nhau. Nhà có gì ăn đó. Biết hoàn cảnh tụi nhỏ vậy, hàng xóm thỉnh thoảng đưa ít thức ăn nấu chín. Hai anh em mừng quýnh, cảm ơn rối rít.
Còn anh, từ trước ngày bầu cử đến nay vẫn ngày đêm trực chiến 100% quân số tại đơn vị. Anh chỉ gặp vợ con thông qua chiếc Smartphone. Anh vẫn đều đặn công việc hàng ngày. Không chỉ triển khai, phân công lực lượng tham gia các chốt trực phòng, chống Covid-19 và phòng, chống tập trung đông người; thậm chí anh còn tham gia trực cùng anh em qua đêm ở chốt Suối Cát - chốt nằm trên tuyến đường trọng điểm quốc lộ 13 hướng từ TP.Hồ Chí Minh vào cửa ngõ TP.Thủ Dầu Một. Chưa hết, bản thân anh có những lúc phải trực tiếp gặp những người trong khu cách ly là F0, F1 để đối thoại, tuyên truyền, giải thích cho họ về những chủ trương, chính sách, những quy định trong công tác phòng, chống dịch... Và mới sáng nay, anh nhận được thông báo chuẩn bị lực lượng, phương tiện tham gia khử khuẩn 2 Bệnh viện dã chiến ở TX.Bến Cát để tiếp đón những người bị F0 như vợ của anh vào điều trị.
Vợ bệnh được đưa đi điều trị. Hai con thơ ở nhà. Nhưng đến giờ này anh vẫn chưa thể về thăm vợ con, vì phía trước vẫn còn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và chính quyền địa phương đang giao phó. Anh phải hoàn thành. Trung tá Nguyễn Đức Lạng, tâm sự: “Là một người lính thì Tổ quốc cần, chúng tôi có mặt. Dịch bệnh ai cũng sợ. Nhưng nếu mình chùn bước thì ai sẽ gánh vác trách nhiệm này đây?”
Trách nhiệm với Tổ quốc, nên dù “trăm mối tơ lòng”, lo vợ bệnh, lo con không được chăm sóc chu đáo... Nhưng anh vẫn một lòng cùng anh em, cùng đồng chí quyết tâm chống dịch, vững tin đến ngày chiến thắng.
“Những người lính trên tuyến đầu chống dịch là như thế đó. Hàng ngày, chịu đựng gian khổ, đối mặt với hiểm nguy, xa gia đình. Vì vậy, tôi mong rằng mọi người dân hãy chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, không nên ra đường khi không cần thiết, chấp hành nghiêm “Ai ở đâu ở yên đấy”, để những người làm nhiệm vụ như chúng tôi được về nhà”, Trung tá Nguyễn Đức Lạng nhắn gửi.
THU THẢO - MẠNH HÀ