Tôi có người cháu thường xuyên uống rượu, sau đó hay đập phá và gây mất trật tự khu phố, đã bị xử phạt hành chính. Mới đây, tòa án có quyết định xử phạt về tội gây rối trật tự công cộng. Xin cho biết về tội này?
NGUYỄN THỊ THU (Chánh Nghĩa, TP.TDM)
Tội gây rối trật tự công cộng xâm hại đến trật tự chung, vi phạm nguyên tắc, nếp sống văn minh cũng như cản trở hoạt động bình thường của những người khác ở nơi công cộng. Điều 245 BLHS quy định tội này như sau:
Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; có tổ chức; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm.
Tội cố ý gây thương tích
Hiện nay, tình trạng thanh niên chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà dẫn đến đánh nhau gây thương tích. Xin cho biết tội cố ý gây thương tích pháp luật quy định mức phạt như thế nào và tỷ lệ thương tật bao nhiêu % mới phạm vào tội này?
LÊ VĂN TÙNG (TX.Dĩ An)
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được hiểu là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp do BLHS quy định.
Tại Điều 104 BLHS quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định như sau:
1- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; đối với trẻ em, phụ nữ đang mang thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; có tổ chức; trong thời gian đang bị giam giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2- Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định ở khoản 1 nêu trên, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
3- Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định ở khoản 1 nêu trên, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
4- Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Luật gia XUÂN LẠC