Tôn vinh di sản phương Nam

Cập nhật: 13-04-2022 | 08:57:08

Sau 6 ngày diễn ra, liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ III và lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX - Cần Thơ năm 2022 đã bế mạc vào tối 11-4. Với những tâm huyết đặt vào lời ca, tiếng đờn, đoàn nghệ nhân đờn ca tài tử Bình Dương đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong ca diễn với các đơn vị bạn và xuất sắc đoạt huy chương vàng chương trình.


Tiết mục “Nhớ ơn thầy” do Ngọc Kiều Oanh biểu diễn tại không gian ĐCTT liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ III - TP.Cần Thơ

Nét đẹp di sản phương Nam

Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Điều này khẳng định những giá trị và đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại. Qua 3 lần tổ chức thành công tại Bạc Liêu, Bình Dương và Cần Thơ, Liên hoan ĐCTT quốc gia đã lần nữa khẳng định đây không chỉ là nơi tôn vinh giá trị lịch sử, nghệ thuật và trao truyền mà còn lan tỏa sức sống của di sản văn hóa vô giá đã được ông cha ta để lại cho vùng đất phương Nam.

Với chủ đề “ĐCTT Nam bộ- bảo tồn và phát triển”, liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ III diễn ra từ ngày 6 đến ngày 11-4 tại TP.Cần Thơ, thu hút 21 đoàn nghệ thuật ĐCTT của các tỉnh, thành phố và 31 đơn vị, đoàn nghệ nhân làm bánh dân gian, với gần 800 nghệ sĩ, nghệ nhân về tham gia hai sự kiện này. Liên hoan bao gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: Chương trình khai mạc với chủđề“Hồn Việt phương Nam”, hội thi nghệ thuật ĐCTT với chủ đề “ĐCTT Nam bộ - di sản đất phương Nam”, tổ chức không gian ĐCTT Nam bộ để biểu diễn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn nghệ, giao lưu đờn ca của người dân và du khách tham quan và chương trình nghệ thuật bế mạc với chủ đề “Đêm hội phương Nam - hội tụ và lan tỏa”.

Theo đó, Ban Tổ chức đã tổ chức các không gian sân khấu biểu diễn nghệ thuật ĐCTT kết hợp trưng bày các hình ảnh hoạt động nghệ thuật ĐCTT cho các địa phương tham gia. Tại quảng trường Bình Thủy (TP.Cần Thơ), 21 không gian ĐCTT được thiết kế đẹp mắt mang sắc thái riêng của từng địa phương đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và giao lưu đờn ca cùng các nghệ nhân, tài tử. Riêng Bình Dương đã tạo được nhiều ấn tượng với các tỉnh, thành phố bạn và du khách bằng những hình ảnh và hiện vật trưng bày rất đậm chất. Đó là những hình ảnh tư liệu và các sản vật địa phương như: Bình hoa, chậu, tượng gốm được bày trí xen kẽ với các sản phẩm sơn mài và các nhạc cụ dân tộc. Trong không gian ấy, các nghệ nhân và tài tử đã cùng nhau hòa đờn, hòa ca cùng du khách những bài ngợi ca truyền thống cách mạng Việt Nam, ngợi ca Đảng, ngợi ca Bác Hồ và những thành quả từ các mô hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngợi ca Bình Dương qua 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển…

Chiếm trọn yêu thương

“Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Đó là những cảm xúc của các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử, người mộ điệu và du khách gần xa khi đến với vùng đất Tây Đô trong liên hoan ĐCTT lần này. Sự chu đáo trong các khâu tổ chức và tiếp đón các đoàn đã khiến ai đến cũng “không muốn về”. Vì thế, những kỷ niệm trong chuyến đi Cần Thơ lần này sẽ trở thành những ký ức thật vui tươi, đầm ấm, thân thiết và sẽ mãi không quên.

Chia sẻ với chúng tôi về chuyến đi đầy niềm vui tại Cần Thơ, anh Phạm Thanh Phong, tài tử của đoàn Bình Dương cho biết, đơn vị Cần Thơ đã tổ chức thật hoành tráng, đón tiếp các đoàn hết sức chu đáo. Tham gia liên hoan ĐCTT quốc gia lần III - Cần Thơ năm 2022 lần này, bản thân anh Phong cảm thấy thật hào hứng. Mặc dù tham gia với tinh thần giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, nhưng đoàn Bình Dương cũng đã sắp xếp thời gian khoảng một tháng tập luyện nghiêm túc, hoàn chỉnh chương trình. Các nghệ nhân của đoàn luôn thể hiện tinh thần tập thể, luôn lắng nghe, trao đổi trong tập dượt cũng như trong thi diễn, tham gia với tinh thần đầy nhiệt huyết, hết mình. Đặc biệt vui hơn khi Thanh Phong tham gia thể hiện chính bài hát do mình soạn lời và đoạt huy chương vàng tại hội thi cấp quốc gia này.

Ông Nguyễn Anh Khương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh cho biết, tham gia liên hoan lần này, đoàn Bình Dương đã thi diễn thành công 5 tiết mục tại hội thi ĐCTT và thi biểu diễn 1 tiết mục hòa tấu tại hội thi không gian ĐCTT. Kết quả, đoàn Bình Dương đoạt 2 huy chương vàng (đơn ca “Nhớ ơn thầy” theo thể điệu tứ đại oán lớp hồi thủ, tam ca “Tự hào giai điệu phương Nam” theo thể điệu liên nam); 4 huy chương bạc (hòa tấu thể điệu ngũ đối hạ, đơn ca vọng cổ nhịp 16 “Bình Dương thành phố yêu thương”, song ca “Ngọc sáng phương Nam” theo thể điệu Tây thi vắn, 1 tiết mục hòa tấu tại không gian ĐCTT) và xuất sắc nhận huy chương vàng chương trình. Dịp này, đoàn cũng vinh dự nhận bằng khen của UBND TP.Cần Thơ. Với sự quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng cho các nghệ nhân tham gia liên hoan lần này, Bình Dương đã một lần nữa khẳng định vị trí của tỉnh tại sân chơi cấp quốc gia này.

Trong đêm bế mạc, đại diện TP.Cần Thơ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao cờ đăng cai tổ chức liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ IV, năm 2025 cho đại diện tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, Ban Tổ chức đã tổng kết, trao giải các hoạt động trong khuôn khổ liên hoan ĐCTT và lễ hội bánh dân gian Nam bộ. Bình Dương đã xuất sắc là 1 trong 7 đoàn đoạt huy chương vàng chương trình tại liên hoan và nhận bằng khen của UBND TP.Cần Thơ.

MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên