Sau gần 7 năm thực hiện kế hoạch chuyên đề về lập lại trật tự ngành nghề kinh doanh phế liệu, hàng trăm cơ sở kinh doanh phế liệu (CSPL) trên địa bàn TP.Dĩ An đã được di dời hoặc ngưng hoạt động. Trong thời gian tới, UBND các phường cùng các ngành chức năng TP.Dĩ An tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các CSPL “chây ì” còn lại trên địa bàn.
Cơ sở phế liệu trên đường ĐT743, đoạn qua khu phố Thống Nhất 2, phường Dĩ An súc rửa can nhựa đã qua sử dụng, gây ô nhiễm môi trường (ảnh chụp sáng ngày 27-3)
Chuyển biến tích cực
Nhằm đưa hoạt động kinh doanh phế liệu vào nề nếp, UBND TX.Dĩ An (nay là TP.Dĩ An) đã ban hành Kế hoạch số 1828/KH-UBND ngày 26-6- 2013 về việc tổ chức kiểm tra, lập lại trật tự đối với ngành nghềkinh doanh phếliệu trên địa bàn (Kế hoạch 1828). Trong đó, UBND TX.Dĩ An giao Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thí điểm tại phường Dĩ An trước khi phổ biến, nhân rộng trên các phường còn lại. Trên cơ sở Kế hoạch 1828, Phòng TN-MT đã chủ trì phối hợp với UBND phường Dĩ An và các phường còn lại tổ chức rà soát, gắn công tác tuyên truyền với kiểm tra, xử lý CSPL xen lẫn trong khu dân cư, không bảo đảm về môi trường, mỹ quan đô thịvà ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đến nay trên địa bàn thành phố đã có 223 CSPL ngưng hoạt động, 32 CSPL còn hoạt động và phát sinh mới 41 cơ sở.
Nói về kết quả thực hiện Kế hoạch 1828, bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng TN-MT TP.Dĩ An, cho biết: “Nhìn chung, với tinh thần trách nhiệm cao và sựchỉ đạo kịp thời, thường xuyên của lãnh đạo UBND TP.Dĩ An, công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn thành phố ngày càng được quan tâm. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch 1828 đã được Phòng TN-MT, UBND các phường và một số ngành có liên quan nỗ lực đeo bám và theo sát các nhiệm vụ được giao nên đã kiểm tra và hoàn tất việc di dời thí điểm tại phường Dĩ An vào cuối năm 2016, góp phần đưa đô thịDĩ An ngày càng xanh - sạch - đẹp”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng TN-MT TP.Dĩ An, ngoài những kết quả đã đạt được, công tác lập lại trật tựhoạt động kinh doanh phế liệu còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, đa số CSPL chỉ chú trọng về lợi nhuận nên thường không quan tâm đến công tác đề phòng cháy nổ, bảo vệ môi trường hoặc nếu có đầu tư, trang thiết bịthì chỉ mang tính đối phó. Một số CSPL không tiếp đoàn kiểm tra hoặc đóng cửa không hoạt động khi đoàn kiểm tra đến làm việc. Đối với CSPL đồng tình với chủ trương của UBND thành phố nhưng do mua bán phế liệu là nguồn kinh tế nuôi sống của gia đình được duy trì từ nhiều đời, vì vậy, khi chuyển đổi sang ngành nghề khác thì họ không có đủ kiến thức đểthay đổi nên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chủ CSPL lớn tuổi. Từ đó, việc hướng dẫn, bố trí cho các hộ này chuyển đổi ngành nghề sang những hình thức kinh tế mới phù hợp hơn với phát triển đô thịDĩ An còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc di dời CSPL quy mô hộ gia đình không được nhiều.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Thực tế theo ghi nhận của P.V, mặc dù trên địa bàn TP.Dĩ An không còn nhiều CSPL hoạt động trong khu dân cư nhưng trên các trục đường chính lại tập trung rất nhiều CSPL. Hình thức hoạt động chủ yếu của các CSPL này là thuê mặt bằng rồi làm nhà tạm đểthu gom, phân loại phế liệu và đưa đi tiêu thụ đểkiếm lời. Điển hình trên tuyến đường ĐT743, đoạn qua khu phố Thống Nhất 2, phường Dĩ An có khoảng 7 CSPL đang hoạt động với hình thức như trên. Đáng chú ý vào sáng 27-3, một CSPL súc rửa nhiều can nhựa đã qua sử dụng khiến nước thải chảy tràn ra mặt đường, bốc mùi hóa chất nồng nặc.
Bà Đặng ThịTuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Dĩ An, cho biết: “Sau thời gian thực hiện thí điểm Kế hoạch 1828, UBND phường phối hợp với các ngành chức năng đã buộc di dời hoặc ngưng hoạt động 37/37 CSPL trên địa bàn. Tuy nhiên, một thời gian sau lại có 5 CSPL tái hoạt động và phát sinh 18 CSPL mới. Đa số các CSPL này không có hoặc hoạt động không đúng giấy phép kinh doanh”. Theo bà Tuyết, hiện nay, chính quyền địa phương đang gặp một số khó khăn trong việc xử lý CSPL vì họ “chây ì”, không hợp tác với lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ UBND phường “mỏng”, kiêm nhiệm nhiều công việc nên công tác theo dõi, kiểm tra CSPL chưa đạt hiệu quả cao. “UBND phường đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, xử lý CSPL đểchấn chỉnh hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Việc thực hiện kế hoạch này sẽ xử lý dứt điểm tình trạng CSPL cố tình không chịu ngưng hoạt động hoặc di dời”, bà Tuyết cho biết thêm.
Cùng với phường Dĩ An, các địa phương khác đang tiến hành nhiều giải pháp nhằm xử lý CSPL “chây ì”. Bà Võ ThịBạch Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp, cho biết: “Đến nay, qua công tác xử lý đã có 75 CSPL ngưng kinh doanh, chỉ còn 2 CSPL đang hoạt động. Đối với 2 CSPL trên, UBND phường đã xử phạt hành chính nhưng họ vẫn tiếp tục hoạt động. UBND phường sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý 2 CSPL này; đồng thời kiến nghịngành chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời, không đểCSPL đã ngưng hoạt động lại tiếp tục kinh doanh và phát sinh CSPL mới”.
Trong khi đó, bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng TN-MT TP.Dĩ An, cho biết: “Đối với CSPL hoạt động có tổ chức, Phòng TN-MT sẽ tăng cường phối hợp Công an thành phố kiểm tra, xử lý dứt điểm các CSPL tồn tại và mới phát sinh. Nếu CSPL nào cố tình không thực hiện di dời, Phòng TN-MT sẽ kiểm tra, tham mưu UBND thành phố xử lý và tổ chức cưỡng chế buộc di dời theo quy định. Đối với CSPL quy mô hộ gia đình, UBND các phường chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát và kiên quyết xử lý, giải quyết các trường hợp phát sinh mới trên địa bàn sao cho có hiệu quả và nhanh chóng.
Đối với công tác xử phạt hành chính CSPL, UBND các phường có trách nhiệm theo dõi việc chấp hành nộp phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp chủ CSPL không nộp phạt và không thực hiện các biện pháp khắc phục, UBND các phường ra thông báo yêu cầu chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 15 ngày. Sau thời gian trên, nếu CSPL vẫn chưa chấp hành, UBND các phường củng cố toàn bộ hồ sơ ban hành quyết định cưỡng chế theo quy định. Ngược lại, nếu CSPL đã nộp phạt nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục thì UBND các phường tiếp tục tổ chức phúc tra, lập biên bản vi phạm. Trong trường hợp UBND phường gặp khó khăn, vướng mắc thì gửi văn bản đến UBND thành phố đề nghịhỗ trợ, xử lý“.
NGUYỄN HẬU