Những năm gần đây, TP.Thủ Dầu Một đã phát triển mạnh về kinh tế - văn hóa, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của chính quyền thì các dịch vụ văn hóa - thể thao theo hướng xã hội hóa cũng đáp ứng cho người dân về nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thân thể…
Trẻ em học bơi tại hồ bơi Công viên Thanh Lễ
Về cơ sở dịch vụ văn hóa, TP.Thủ Dầu Một được đánh giá là một trong những địa phương phát triển mạnh mẽ trong 10 năm trở lại đây. Theo bà Trần Mỹ Lệ, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thủ Dầu Một việc xã hội hóa các dịch vụ này đã góp phần làm cho thành phố thêm văn minh, hiện đại hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân hơn.
Qua 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 800 cơ sở dịch vụ văn hóa, hoạt động văn hóa do tư nhân trực tiếp kinh doanh. Các loại hình kinh doanh gồm: In lụa, photocopy, cho thuê băng đĩa, karaoke, khiêu vũ, trò chơi điện tử, các tụ điểm hát với nhau... Ngoài ra, TP.Thủ Dầu Một còn có Trung tâm dịch vụ văn hóa tổng hợp với nhiều hạng mục, loại hình đa dạng và có tính liên hợp như: Trung tâm Hội nghị - Triển lãm (phường Hòa Phú). Công ty Cổ phần Đại Nam đã đầu tư xây dựng Khu du lịch Đại Nam với các công trình như khu vui chơi giải trí, sân khấu biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, rạp chiếu phim 4D, vườn thú… Những địa điểm này góp phần làm thay đổi bộ mặt của thành phố, đây cũng là nơi giúp nhiều người biết hơn về Bình Dương năng động và phát triển.
Về các công trình, dịch vụ văn hóa được đầu tư quy mô thì trên địa bàn thành phố có các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để luyện tập và thi đấu thể thao như: Trung tâm Thể dục thể thao Becamex tại phường Hòa Phú với các công trình gồm: 9 sân quần vợt, 2 hồ bơi, 1 nhà thi đấu, 4 sân bóng đá 11 người, 2 sân bóng đá mini, 2 sân bóng rổ, 1 sân bóng chuyền… Việc xây dựng các công trình này đã tạo điều kiện cho người dân có nơi để luyện tập thân thể, rèn luyện sức khỏe từ đó phục vụ tốt hơn cho công việc của bản thân.
Cũng có thể kể thêm về các công ty tư nhân đã đầu tư tại TP.Thủ Dầu Một như: Công ty TNHH Toàn Thịnh Phát đầu tư xây dựng 2 sân bóng đá và 1 sân tennis với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Câu lạc bộ (CLB) bóng đá mini Miền Đông đầu tư xây dựng 3 sân bóng đá mini, diện tích 3.000m2, kinh phí 2 tỷ đồng… Các cơ sở thể thao ngoài công lập ngày càng gia tăng về số lượng và cả chất lượng với hình thức CLB Thể dục thể thao và các cơ sở dịch vụ giải trí… Đặc biệt, mô hình sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, cầu lông, tennis, bóng bàn (hiện toàn thành phố có 37 sân bóng đá mini, 10 sân cầu lông, 2 sân tennis, 4 hồ bơi) thực hiện theo phương thức xã hội hóa đang hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Tổng trị giá các công trình xã hội hóa ước tính hơn 90 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các CLB Mô tô BTV Bình Dương Thủ Dầu Một và Xe đạp TP.Thủ Dầu Một… cũng đã đầu tư phương tiện gần 21 tỷ đồng với nhiều mô hình hoạt động phong phú, hữu ích.
Xã hội hóa văn hóa - thể thao luôn cần thiết bởi nó đem lại sự tiện ích cho người dân. Các lớp học bơi cho học sinh cũng được thực hiện theo phương thức xã hội hóa này. Cũng theo bà Trần Mỹ Lệ, hàng năm, TP.Thủ Dầu Một tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút nhiều đối tượng tham gia. Đây cũng là cách trân trọng ghi nhận, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư vào dịch vụ văn hóa trên địa bàn thành phố. Tất cả góp phần làm cho TP.Thủ Dầu Một văn minh, hiện đại và đáng sống hơn.
QUỲNH NHƯ