Hiện nay, số ca F0 đang có chiều hướng gia tăng tại TP.Thuận An (10/10 xã, phường thuộc thành phố có mức độ lây nhiễm 2). Trước thực tế này, thành phố chuyển hướng ứng phó dịch bệnh, đẩy mạnh điều trị F0 tại các tầng điều trị kết hợp với phát huy vai trò tổ Covid cộng đồng trong tuyên truyền và giám sát, theo dõi F0 điều trị tại nhà.
Xây dựng mạng lưới tổ Covid cộng đồng
Đã gần 18 giờ chiều nhưng ông Hồ Thanh Tâm, Trưởng ban Điều hành khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao vẫn chưa rời văn phòng làm việc. Việc trao đổi, phỏng vấn của chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc gọi tới số máy cá nhân của ông Tâm. Đa phần là cuộc gọi của người dân địa phương nhờ tham vấn. Mọi thắc mắc, quan tâm về F0 điều trị tại nhà đều được ông Tâm giải thích, tư vấn tận tình kèm những lời dặn dò chu đáo.
Đây là một trong số 542 tổ Covid cộng đồng hoạt động hiệu quả tại TP.Thuận An. Tổ phòng, chống Covid cộng đồng có từ 3 - 5 thành viên, là cán bộ khu phố và các đoàn thể. Mỗi tổ phụ trách từ 30 - 50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể. Các thành viên tổ phòng, chống Covid cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn chi tiết về công tác phòng, chống dịch bệnh. Để thông tin được thông suốt, kịp thời, thống nhất, thành phố đã chỉ đạo thành lập các nhóm Zalo từ thành phố đến khu dân cư. Ông Hồ Thanh Tâm, cho biết: “Hàng ngày, các thành viên trong tổ sẽ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng để thực hiện 5 nhiệm vụ; cụ thể là tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế, tích cực tham gia tiêm vắc xin, yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, cung cấp số điện thoại và tư vấn cho F0 tại nhà”.
Thành viên Tổ Covid cộng đồng khu phố Bình Thuận, phường Bình Giao, TP.Thuận An tuyên truyền, vận động người lao động tiêm vắc xin ngừa Covid-19
Đánh giá về vai trò của tổ Covid cộng đồng, bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết: “Một trong những kinh nghiệm chống dịch tại địa phương là huy động sức mạnh của cộng đồng. Với ý nghĩa “chống dịch như chống giặc”, tổ Covid cộng đồng là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế lưu động và trạm y tế cố định. Với sự hoạt động của tổ Covid cộng đồng, TP.Thuận An thực sự đã đưa được các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến từng hộ gia đình. Đây chính là biểu hiện sinh động nhất của việc phòng, chống dịch bệnh dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia phòng, chống dịch bệnh”.
Hiện nay, để thích ứng với tình hình mới, các tổ Covid cộng đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện tiêm chủng đầy đủ, quét mã QR đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và giám sát các F0. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tôn Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn, cho biết: “Hiện nay, số ca mắc đang gia tăng nhanh, địa phương đã có những thay đổi trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Cụ thể là việc để các trường hợp F1 cách ly y tế tại nhà khi đủ điều kiện cũng chính là lúc vai trò của các tổ Covid cộng đồng càng phải được nâng cao. Đặc biệt, tổ phối hợp thực hiện nghiêm việc giám sát đối với các F0 cách ly tại nhà bảo đảm phòng, chống dịch bệnh”.
Tích cực điều trị F0 tầng 2 và tầng 3
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn mới, tỷ lệ người dân của tỉnh đã được tiêm vắc xin đạt mức rất cao nên không còn tổ chức điều trị tầng 1, bệnh nhân chủ yếu cách ly điều trị theo dõi tại nhà thông qua các trạm y tế lưu động và tổ Covid cộng đồng. Chính vì vậy, Trung tâm Y tế TP.Thuận An đã thay đổi phương án chống dịch, tập trung vào điều trị tầng 2 và tầng 3. Hiện TP.Thuận An đã đưa vào sử dụng Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Phòng khám Đa khoa khu vực An Phú, phường An Phú với quy mô 200 giường, trong đó có 68 giường bệnh nhân nặng thuộc tầng 2 của Trung tâm Y tế TP.Thuận An.
Hiện nay, TP.Thuận An đang triển khai mô hình điều trị tháp 3 tầng. Theo đó, tầng 1 thu dung, cách ly, quản lý, khám chữa bệnh cho người nghi nhiễm đang chờ xét nghiệm khẳng định, người nhiễm không có triệu chứng và người bệnh mức độ nhẹ. Tầng 2 tiếp nhận và điều trị các ca bệnh mức độ vừa và nặng. Tầng 3 tiếp nhận, điều trị các ca bệnh mức độ nặng và nguy kịch.
Trước thực tế số ca mắc đang có xu hướng tăng, bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, cho biết thêm: Trung tâm Y tế thành phố đang đẩy mạnh rà soát trang thiết bị y tế, chủ động thuốc điều trị, oxy y tế để phục vụ tốt việc chẩn đoán, điều trị sớm bệnh nhân Covid-19. Cùng với việc kết hợp điều trị giữa Đông y và Tây y, trung tâm còn huy động hệ thống y tế tư nhân, nhân viên y tế nghỉ hưu tham gia công tác theo dõi, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Hiện trung tâm y tế đang tập trung triển khai chiến lược cá thể hóa điều trị cho từng bệnh nhân để có từng phương án điều trị thích hợp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; từ đó hạn chế tối đa các ca bệnh phải đặt nội khí quản, tập trung vào hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh phương án điều trị với diễn tiến của từng người bệnh, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.
HOÀNG LINH