Hỏi: Em trai tôi năm nay 19 tuổi. Vì bị bạn bè rủ rê nên em tôi đã đi cùng với người bạn đó và thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Giá trị tài sản em trai tôi lấy trộm là 1.500.000 đồng. Hiện em trai tôi đang bị tạm giữ tại Công an huyện. Tính đến thời điểm bị tạm giữ đến nay là 2 ngày và em trai tôi vẫn chưa được thả. Vậy, theo quy định của pháp luật thì trường hợp của em trai tôi sẽ bị tạm giữ trong thời hạn bao lâu?
Nguyễn Thị H. (TP.Thủ Dầu Một)
Trả lời: Căn cứ quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì thời hạn tạm giữ không được quá 3 ngày, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá 3 ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 3 ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Như vậy thời hạn tạm giữ tối đa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 là 9 ngày. Do đó, trường hợp của em trai bạn thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và hiện đang bị tạm giữ tại Công an huyện thì thời hạn tạm giữ là không quá 3 ngày, trong trường hợp cần thiết thì cơ quan điều tra của Công an huyện sẽ ra quyết định gia hạn tạm giữ nhưng không quá 3 ngày với lần gia hạn thứ nhất và 3 ngày nếu có quyết định gia hạn thời hạn tạm giữ lần thứ hai.
Hỏi: Một người bạn của tôi bị người khác hành hung và gây thương tích 7% khiến cho bạn tôi phải nhập viện điều trị. Phía gia đình người gây thương tích cho bạn tôi đã thực hiện việc chi trả tiền viện phí và thỏa thuận bồi thường cho bạn tôi. Hiện bạn tôi đã bình phục và được xuất viện. Người gây thương tích cho bạn tôi sau khi gây án đã bị tạm giam tại Công an TX.Thuận An để điều tra về tội cố ý gây thương tích. Người này bị tạm giam được 40 ngày thì được thả ra ngoài. Vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay thì thời hạn tạm giam được quy định như thế nào?
Lê Duy A.(TX.Thuận An)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì thời hạn tạm giam bị can để điều tra là không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Cụ thể:
- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;
- Đối với tội phạm nghiêm trọng, có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;
- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng, có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;
- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
SƠ TƯ PHÁP