Trả lời bạn đọc ngày 10-9

Cập nhật: 10-09-2016 | 09:46:57

 Hỏi: Tôi đang làm ở một công ty với mức lương được nhận là 20 triệu đồng/tháng. Tôi có hai đứa con còn nhỏ (2 tuổi và 6 tuổi), ngoài ra tôi còn phụ giúp cha mẹ nuôi đứa em hiện đang học năm nhất đại học. Vậy em của tôi có được xác định là người phụ thuộc khi tính thuế thu nhập cá nhân của tôi không?

Trần Thị Mộng H. (huyện Phú Giáo)

Trả lời: Khoản 3 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi 2012 quy định:

“Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:

a) Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;

b) Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng”.

Theo quy định tại điểm d, Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15-8-2013 của Bộ Tài chính thì các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng gồm:

- Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.

- Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

- Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: Con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

- Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

Điểm đ, Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15-8-2013 quy định các cá nhân nêu trên nếu còn trong độ tuổi lao động thì được tính là người phụ thuộc khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

- Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

Như vậy, căn cứ các quy định trên thì người em của bà không được tính là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân của bà.

Hỏi: Cha tôi có tất cả 3 người con, gồm: Tôi và 2 người chị gái, trong đó có một người đã mất năm 1995. Cha tôi mất vào đầu năm 2016, có để lại di sản là 1 mảnh đất tọa lạc phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, hai chị em chúng tôi đều đồng ý cho đứa con trai duy nhất của người chị đã mất của tôi toàn bộ phần đất này. Vậy cháu của tôi có phải chịu thuế thu nhập cá nhân hay không? Nếu phải chịu thuế thì mức thuế suất là bao nhiêu?

Trần Văn H. (Khánh Bình, TX.Tân Uyên)

Trả lời: Khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định: “Thu nhập được miễn thuế là thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau”.

Theo thông tin mà ông cung cấp thì quyền sử dụng đất của cha ông để lại là di sản thừa kế của 2 người con và đứa con trai của người chị đã mất của ông (người này được hưởng thừa kế thế vị của chị ông do chị ông mất trước cha ông theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự 2005). Do ông và chị ông tặng cho kỷ phần thừa kế của mình cho người cháu thì theo quy định trên, phần tài sản mà người cháu này nhận được từ hai chị em ông không thuộc các trường hợp nêu trên để được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Theo quy định tại Điều 18 và Điều 23 Luật Thuế thu nhập cá nhân thì mức thuế suất người cháu phải nộp là 10% và thu nhập chịu thuế là phần giá trị quyền sử dụng đất được tặng vượt trên 10 triệu đồng.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=461
Quay lên trên