Hỏi: Tôi có một mảnh đất ở huyện Dầu Tiếng và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Đất này là tài sản riêng của tôi. Tôi muốn viết di chúc (DC) để lại phần tài sản này cho con trai tôi nhưng GCN QSDĐ của tôi đã mất. Vậy tôi có viết DC được không?
Bà HUỲNH KIM T. (huyện Dầu Tiếng)
Trả lời: Điều 650 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về các hình thức DC bằng văn bản gồm: DC bằng văn bản không có người làm chứng; DC bằng văn bản có người làm chứng; DC bằng văn bản có công chứng; DC bằng văn bản có chứng thực.
Theo quy định tại điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì điều kiện để thực hiện các giao dịch về QSDĐ là:
- Có GCN, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai;
- Đất không có tranh chấp;
- QSDĐ không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Đối chiếu với trường hợp trên, QSDĐ của bà đã được cấp GCN nên bà đủ điều kiện để lập DC theo quy định. Tức là bà có quyền viết DC để lại tài sản cho con trai của bà. Tuy nhiên, do bà đã làm mất GCN QSDĐ nên việc lập DC cần chú ý như sau:
Thứ nhất: Trường hợp bà chưa làm thủ tục xin cấp lại GCN QSDĐ thì bà chỉ có thể lập DC bằng văn bản không có người làm chứng hoặc DC bằng văn bản có người làm chứng. Khi lập DC bà phải đủ các điều kiện là người minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung DC không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức DC không trái quy định của pháp luật (Theo Điều 652 Bộ luật Dân sự).
Thứ hai: Trường hợp nếu bà muốn lập DC bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực thì bà phải làm thủ tục xin cấp lại GCN QSDĐ. Sau khi bà được cấp lại GCN QSDĐ thì bà mới đến tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã nơi bà đang cư trú để yêu cầu công chứng hoặc chứng thực DC của bà. Vì theo quy định của Luật Công chứng 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì khi bà yêu cầu công chứng hoặc chứng thực DC, bà phải cung cấp bản sao GCN QSDĐ và bản chính GCN này để công chứng viên hoặc công chức tư pháp - hộ tịch đối chiếu và tiến hành công chứng, chứng thực DC.
Hỏi: Sau khi bố mẹ tôi kết hôn năm 1988, hai người có mua một mảnh đất trồng cây cao su có diện tích hơn 2 ha, nhưng chỉ có bố tôi là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Năm 2010, mẹ tôi mất không để lại di chúc. Nay tôi đề nghị bố tôi chia một phần đất cao su nêu trên cho tôi nhưng bố tôi không chịu vì ông cho rằng ông là người đứng tên trên GCN QSDĐ nên tài sản này là của riêng ông, khi nào ông mất thì sẽ để lại thừa kế cho tôi. Vậy cho tôi hỏi là tôi có thể yêu cầu tòa án chia thừa kế phần đất cao su này được không?
Anh NGUYỄN KHẮC H. (tỉnh Đồng Nai)
Trả lời: Tại Điều 634 Bộ luật Dân sự 2005 quy định di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Theo anh trình bày, phần đất cao su hơn 2 ha là do bố mẹ anh nhận chuyển nhượng từ người khác sau khi hai người kết hôn năm 1988 nên căn cứ Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1987 thì phần đất cao su này là tài sản chung của bố mẹ anh. Về nguyên tắc, tài sản chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Như vậy, khi mẹ anh mất thì di sản của mẹ anh để lại là một nửa phần đất cao su này.
Vì mẹ anh chết không để lại di chúc nên theo quy định tại Điều 675, Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 thì phần tài sản của mẹ anh trong khối tài sản chung sẽ được chia theo hàng thừa kế thứ nhất của mẹ anh theo pháp luật. Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Vì anh thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ anh nên anh có quyền được hưởng một phần di sản của mẹ anh theo quy định của pháp luật. Như vậy, anh hoàn toàn có quyền yêu cầu bố anh chia di sản thừa kế của mẹ anh để lại.
Theo Điều 681, Điều 685 Bộ luật Dân sự 2005 thì việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa những người thừa kế. Trong trường hợp của anh, do anh và bố anh không thỏa thuận được với nhau về việc chia phần di sản của mẹ anh thì anh có quyền nộp đơn khởi kiện về việc tranh chấp chia di sản thừa kế đến TAND cấp huyện nơi bố anh đang cư trú để yêu cầu tòa án giải quyết (Khoản 5, Điều 25, Điều 33, Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011) và lưu ý với anh là thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (là thời điểm người có tài sản chết) theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2005.
SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG