Trương Anh Quốc, thủy thủ tàu viễn dương, đã đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần 4 vừa được công bố ngày 5-9.
Tác giả Trương Anh Quốc hiện là kỹ sư điện tàu vận tải biển, đã giành giải nhất Văn học tuổi 20 với tiểu thuyết Biển. Tác phẩm gồm một chuỗi liên hoàn 19 câu chuyện cùng đề tài vận tải biển đường xa.
Trương Anh Quốc và tập Biển đoạt giải nhất trị giá 50 triệu đồng.
Biển được viết súc tích và sinh động về những chuyến hải hành, với các nhân vật là thủy thủ, máy trưởng, đầu bếp... Cuốn sách chứa đựng nội dung phong phú, dồi dào chất liệu sống. Từng câu chuyện lẻ không quá đặc sắc, nhưng trở nên đặc biệt, thú vị khi đứng chung.
Tác giả Trương Anh Quốc tâm sự: "Biển mênh mông luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Viết Biển, tôi có dịp tìm hiểu về các tôn giáo, những vùng đất, con người và nét văn hóa đặc trưng; tôi được hóa thân, suy tư, trăn trở với tâm trạng các mẫu nhân vật mà mình yêu mến lẫn căm ghét".
Đây là lần thứ hai, Trương Anh Quốc giành giải thưởng Văn học tuổi 20. Cây bút sinh năm 1976, quê Quế Sơn, Quảng Nam này từng đoạt giải nhì Văn học tuổi 20 lần 3 năm 2005 với tập truyện ngắn Sóng biển rì rào.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: "Đây là một cuốn sách lạ. Thoạt không dễ đọc, thậm chí có khi cầm lên đọc qua năm bảy trang đã có thể muốn bỏ xuống, nếu không tò mò vì sự kích thích của đề tài lâu nay hầu như chưa hề được nói đến: cuộc sống long đong, gian nan, đầy thử thách hiểm nguy của những người lao động đi làm thuê trên những chiếc tàu viễn dương".
Sau bốn lần tổ chức, cuộc thi Văn học tuổi 20 mới có người giành giải nhất là cây bút nam (các lần trước đều là nhà văn nữ: Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh). Giải nhì thuộc về Võ Diệu Thanh với Cô con gái ngỗ ngược, giải ba gồm Visa của Hải Miên và Giảng đường yêu dấu của Mai Anh Tuấn, cùng 5 giải tư.
- Giải nhì Cô con gái ngỗ ngược (Võ Diệu Thanh, sinh 1975, giáo viên ở An Giang) văn phong duyên dáng, chân thật, xúc động. Truyện dường như không có kỹ thuật nhưng khiến người đọc cuốn hút, bất ngờ, thú vị. Văn viết có tình, lấp lánh cái nguyên sơ thuần chất.
Nhà văn Lê Văn Thảo nhận xét: "Tác giả Võ Diệu Thanh gần như là tác giả mới, với tập truyện ngắn này chắc rằng sẽ để lại dấu ấn vào nền văn học "miền Tây hoang dã" và cả nước. Với phong cách dung dị nhiều màu sắc như thế này, nhà văn nữ trẻ chắc sẽ còn đi xa".
- Giải ba Giảng đường yêu dấu (Mai Anh Tuấn, sinh 1983, dạy học tại Hà Nội) viết về những góc cạnh của cuộc sống dưới cái nhìn của một thầy giáo trẻ mới ra trường. Người đọc bị cuốn vào mạch truyện, đi qua những hồi ức của một giảng viên trẻ trên nền bối cảnh giáo dục còn nhiều ngổn ngang. Các nhân vật liên tục đổi chỗ, chồng lấp lên nhau. Chất liệu ngôn từ và chi tiết hình ảnh là sự hòa trộn giữa dân gian và hiện đại, cũ và mới. Tất cả được thể hiện với một giọng dí dỏm, thông minh và khá lôi cuốn.
- Giải ba Visa (Hải Miên, sinh 1973, trước đây là nhà báo) hiện đại, mang hơi thở cuộc sống của người trẻ trong bối cảnh xã hội hiện nay nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Văn đa giọng điệu, cuộc sống hiện lên nhiều mặt như một cuốn phim, rõ ràng, sắc nét, phong phú chi tiết vui tươi và đau đớn. Lối viết hiện đại, bút pháp già dặn trải đời, lôi cuốn nhiều tầng nghĩa.
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh nhận xét: “Giống nhau ở tuổi trẻ các thời là cái vơ vẩn buồn, vì lạ lùng tuổi 20 đáng ra vui nhất thì hình như lại là tuổi người ta hay âu sầu nhất. Nhưng, có một cái khác lớn nhất của tuổi trẻ mỗi thời, chính là cái mất mát. Viết lại được cái sôi động, cái buồn vơ vẩn của tuổi 20 đã là hay, nhưng viết được cái mất mát khác biệt của tuổi 20 mỗi thời mới là khó.
Hải Miên đã làm được việc này, lại càng giỏi khi cái mất mát của thời này là cái mất mát vô hình, không phải là đạm, là xe, là học phí hữu hình. Là một sự mất mát tùy người nào thấy đó là mất mát. Còn không, đó là cái "được", cái "hơn" của ngày hôm nay".
Theo VNN