Chúng tôi đến thăm Chiến khu Vĩnh Lợi (TX.Tân Uyên) cùng các bạn đoàn viên thanh niên các trường đại học, thanh niên công nhân của các công ty đóng trên địa bàn Tân Uyên. Khi đến nơi, các bạn trẻ đều háo hức, tự hào khi về thăm chiến khu xưa…
Các bạn trẻ chụp hình lưu niệm tại di tích Chiến khu Vĩnh Lợi
Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh cho độc lập dân tộc
Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi tọa lạc tại ấp 3, phường Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên, cách trung tâm TX.Tân Uyên khoảng 13km. Di tích này được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 3873/QĐ-UBND ngày 7-12-2010. Diện tích hơn 5,5 ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Khởi công xây dựng từ năm 2011 và đưa vào sử dụng năm 2016. Hàng năm, di tích này đón khoảng 10.000 lượt khách tham quan.
Chiến khu Vĩnh Lợi, Tân Uyên - một di tích lịch sử được mệnh danh là “Tỉnh lỵ kháng chiến” của vùng đất Sông Bé - Bình Dương anh hùng. Bởi đây là nơi tổ chức, xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hiện nay, Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi được xây dựng trang nghiêm, là một “địa chỉ đỏ” cho thế hệ sau tri ân, noi gương các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho quê hương, đất nước...
T.S Nguyễn Văn Thủy, Trưởng khoa Lịch sử trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết trong quyển sách ông đã viết về vùng này thì Chiến khu Vĩnh Lợi được hình thành vào năm 1946, là một vùng đất cao ráo, được xây dựng giữa 3 khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân (rừng Cầy Bộng, rừng Sở Tiểu và rừng Thầy Cai) rộng hơn 300 ha, được bao bọc bởi 2 con suối là Suối Cái (suối cầu Thợ Ụt) và suối Vĩnh Lợi ở hướng đông nam, hướng đông - tây có 2 trục lộ giao thông chạy về hướng bắc tạo sự liên thông với Chiến khu Đ, Chiến khu Thuận An Hòa.
Căn cứ Vĩnh Lợi là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của xã, huyện và tỉnh, nơi tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, được mệnh danh là Tỉnh lỵ kháng chiến. Ở đây hình thành một lực lượng lớn gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, du kích tập trung và du kích xã, ấp. Phía bắc Vĩnh Lợi có Bến Xoài, phía tây nam có ấp 3 Tân Hiệp, phía đông bắc có ngã tư Bến Sắn. Ta chủ trương cho họp chợ nơi đây vào mỗi buổi sáng để phục vụ đời sống nhân dân trong vùng căn cứ.
Chiến khu Vĩnh Lợi là căn cứ của Huyện ủy Châu Thành trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chiến khu Vĩnh Lợi - Vĩnh Tân đã đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, góp phần vào thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây cũng được xem là biểu tượng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang của huyện Châu Thành và tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương. Với một địa danh anh hùng như thế, việc xây dựng Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi rất được lãnh đạo tỉnh quan tâm để ghi dấu ấn một thời hào hùng, để giáo dục cho thế hệ sau về tinh thần yêu nước, hy sinh vì non sông của cha ông.
Ở đây được biết đến như một nơi để giới thiệu về lịch sử địa phương. Các buổi lễ kết nạp Đảng, đoàn viên thanh niên cũng được các trường, cơ quan tổ chức để tạo thêm phần trang trọng. Đây cũng là điểm thường được tổ chức cắm trại, về nguồn lý tưởng với nhiều hoạt động hữu ích cho các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh.
Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi hiện nay là một trong những điểm đến nhằm phát triển du lịch, góp phần bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, tiềm năng du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, vui chơi cho người dân địa phương cũng như du khách tham quan. Ngành văn hóa TX.Tân Uyên cũng có thể sử dụng nguồn thu từ du lịch để tái đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm cho các hộ dân cung cấp dịch vụ du lịch ở địa phương.
Đưa những địa chỉ đỏ vào bản đồ du lịch địa phương là một trong những việc làm mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các huyện, thị, thành phố ở Bình Dương quan tâm. Những người tâm huyết với du lịch cũng cho rằng, để làm tốt điều này, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các địa phương cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ trong công tác phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác tiềm năng, phát triển du lịch. Việc đầu tư xây dựng và mời gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, các mô hình, sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch, liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch, nâng cao chất lượng các nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, tăng cường tuyên truyền về du lịch Tân Uyên, các sản phẩm nông sản cũng là điều cần tính đến. Bạn Lê Thị Hằng, một trong những công nhân trẻ được chọn trong hơn 10 người đi tham quan di tích Chiến khu Vĩnh Lợi, cho rằng bạn rất vui sướng và tự hào khi biết được một địa chỉ mang đậm dấu ấn truyền thống cách mạng như vậy. Những món quà hôm đó Hằng đã mua về làm quà là khăn rằn, nón tai bèo, các kỷ vật lưu niệm nho nhỏ khác nữa để tặng bạn bè, người thân.
Còn rất nhiều điểm du lịch, những di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh khác nữa của Bình Dương. Hy vọng đây sẽ là những thông tin, tài liệu cần thiết cho những ai yêu mến mảnh đất và con người Bình Dương.
QUỲNH NHƯ