Vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh

Cập nhật: 22-03-2022 | 07:42:53

Thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cuộc sống người dân đã trở lại “bình thường mới”. Các biện pháp phòng bệnh vẫn được tiếp tục thực hiện nhằm tiến tới chung sống an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đa số người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hiện nay có một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi đông người.

Tuân thủ đeo khẩu trang

Thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hoạt động của các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã từng bước khôi phục, phục vụ khách hàng bình thường trở lại. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn được các siêu thị, trung tâm thương mại quan tâm, thường xuyên tuyên truyền để khách hàng nâng cao cảnh giác, chủ động hơn trong phòng, chống dịch bệnh.

Sáng đầu tuần, lượng khách đến mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) không quá nhộn nhịp, khách đi siêu thị đều đeo khẩu trang đầy đủ. Theo ghi nhận của phóng viên, để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tại 2 lối ra vào của siêu thị đều bố trí bàn đặt những bình nước sát khuẩn cho khách hàng khử khuẩn trước và sau khi đi siêu thị. Trên bàn, siêu thị còn đặt bảng thông tin 7 nội dung “Chung tay giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19” để hướng dẫn, nhắc nhở khách hàng khi đi siêu thị cùng thực hiện.

Nhiều người bán hàng ở chợ Thủ Dầu Một không thực hiện tốt việc đeo khẩu trang khi bán hàng

Chị Phạm Thị Hồng Hoa, phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh Siêu thị Co.opmart Bình Dương, cho biết để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, hiện nay siêu thị vẫn duy trì việc phát loa, thường xuyên thông tin tuyên truyền đến khách hàng. Chị Hoa nói: “Khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, hệ thống loa của siêu thị sẽ phát thông tin tuyên truyền một lần. Nội dung chủ yếu là nhắc nhở khách hàng thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế, giữ khoảng cách an toàn trong thời gian đi siêu thị. Bây giờ, phòng, chống dịch bệnh chủ yếu là ý thức mỗi người. Sau thời gian chung sống với dịch bệnh, khách hàng cũng đã hình thành thói quen về phòng bệnh rồi nên họ thực hiện rất tốt việc đeo khẩu trang khi đến mua sắm tại siêu thị”.

Một số người dân vẫn còn chủ quan

Dạo một vòng qua các chợ truyền thống trên địa bàn  TP.Thủ Dầu Một, phóng viên ghi nhận đa số người dân tuân thủ rất tốt việc đeo khẩu trang khi đi chợ. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp không đeo hoặc đeo khẩu trang “cho có lệ”. Hỏi thăm một chị bán rau củ quả ở chợ Bình Điềm, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, bây giờ không sợ Covid-19 nữa hay sao mà không đeo khẩu trang, chị thản nhiên trả lời: “Mình mới bị Covid rồi, giờ có bị nữa đâu mà sợ”. Chạy xe dọc đường vào sâu bên trong chợ, chúng tôi cũng bắt gặp một số người bán hàng cũng không đeo khẩu trang, hoặc đeo khẩu trang nhưng không bảo đảm đúng theo quy cách.

Ở khu vực chợ Thủ Dầu Một cũng rất dễ nhận ra những hình ảnh người bán hàng và người đi chợ đeo khẩu trang không đúng cách. Có người lúc nào cũng đeo khẩu trang nhưng luôn trong “tư thế” chừa lại phần mũi… để dễ thở hoặc kéo xuống phía dưới cằm. Có người đang đeo khẩu trang, nhưng khi khách tới hỏi mua hàng liền kéo khẩu trang xuống dưới cằm hoặc tháo hẳn khẩu trang ra cầm ở tay… để nói chuyện với khách. Thấy chị bán thịt quay trên đường Đinh Bộ Lĩnh không đeo khẩu trang khi bán hàng cho khách, chúng tôi thử ghé vào mua thịt rồi tiện thể hỏi tại sao không đeo khẩu trang thì chị trả lời liền: “Có sao đâu. Chị tiêm vắc xin rồi nên chắc không sao, để vậy buôn bán nói chuyện cho dễ”. Hỏi một số người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách khác, họ cũng có suy nghĩ rất chủ quan rằng nay Covid-19 đã được coi như cảm cúm thông thường, nếu có mắc bệnh thì uống thuốc sẽ hết…

Trong những ngày qua, số ca bệnh Covid-19 ghi nhận trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức cao. Hiện nay, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lờ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi có kết quả dương tính với Covid-19, người dân cần báo cho ngành y tế địa phương biết, đồng thời phải thực hiện đúng việc cách ly, điều trị theo quy định của ngành y tế để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Việc thực hiện “thích ứng linh hoạt” là thay đổi để chung sống an toàn với dịch bệnh chứ không phải buông lỏng, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Thực tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã ghi nhận những trường hợp tái nhiễm Covid-19 và tái nhiễm không chỉ ghi nhận ở những trường hợp tiêm vắc xin chưa đủ liều mà có cả những người đã tiêm đủ liều.

Theo các chuyên gia y tế, khi nhiễm bệnh, người bệnh không chỉ bị ảnh hưởng về sức khỏe hiện tại, mà có thể gặp phải những hội chứng “hậu Covid” sau khi hết bệnh. Điều này không chỉ để lại những ảnh hưởng về sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến thời gian và kinh tế của người bệnh.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=302
Quay lên trên