Cuối năm và cuối tuần, người người tranh thủ đi siêu thị mua hàng, nhận chiết khấu cả năm nên rất đông khách. Đông nhưng nếu trật tự thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Đằng này, chỉ cần một người thiếu ý thức, sẽ gây ra bao cảnh khó chịu cho người chung quanh.
Một chị nọ chờ mãi ở quầy cân rau, củ, quả mới được nhận lại hàng. Thế nhưng, khi chị đẩy xe hàng đi qua quầy bán thịt, cá thì bị một vị khách khác lấy mất chiếc xe.
Tìm mãi mới thấy và chị hỏi người đàn ông đẩy nhầm xe mình sao không phải đồ của anh mà anh lại đẩy xe đi tự nhiên như vậy? Người đàn ông không những không xin lỗi một tiếng mà còn sừng sộ: “Gì mà ghê thế? Đã tính tiền đâu? Nhầm thì lấy lại chứ có gì?”. Chị ấy nói siêu thị đông, tôi phải mất thời gian chờ cân đồ, rồi đi tìm rất lâu rồi anh biết không? Người đàn ông vẫn không nhận lỗi về mình mà tiếp tục cãi nhau. Thằng bé con người đàn ông nọ đứng cạnh ba và chứng kiến hết sự hung hăng của ba nó…
Vẫn là trong siêu thị, người mẹ thản nhiên bóc gói bánh cho con ăn. Nhân viên siêu thị nhẹ nhàng nhắc: Chị ơi! đừng làm thế, lát tính tiền đã. Lời nhắc nhở nhẹ nhàng này vẫn lại nhận được sự đáp trả sừng sộ: “Tôi có ăn cắp đâu? Lát tôi đưa cái vỏ hộp bánh ra tính tiền được chưa?”. Chưa cần nói đến chuyện ứng xử thiếu văn hóa mà chỉ nói đến hành vi này “phản chiếu” trong suy nghĩ của đứa con chị ấy. Nó sẽ nghĩ mình được quyền ăn uống vô tư và hễ ai góp ý cứ… cãi lại cái đã!
Chuyện tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ chút nào bởi tất cả những hành vi của người lớn là tấm gương để con trẻ noi theo. Những thói quen không tốt của người lớn cũng sẽ trở thành hành vi xấu nơi con trẻ sau này.
QUỲNH NHƯ