Hòa chung không khí của lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2019, trong 3 ngày (2, 3 và 4-6), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thi đờn ca tài tử (ĐCTT) và chặp cải lương Bình Dương năm 2019. Với sự đầu tư và dàn dựng công phu, các ban ĐCTT trong tỉnh đã thểhiện những tình cảm trân quý và trách nhiệm của mình đối với loại hình nghệ thuật di sản - ĐCTT - cải lương.
Chặp cải lương “Ánh sáng soi đường” của Ban ĐCTT huyện Phú Giáo
Hấp dẫn du khách
Dưới những hàng cây xanh, gió mát, trái cây chín thơm ngon ngọt. Hòa quyện vào đó là những tiếng nhạc, lời ca của các nghệ nhân và tài tử của hội thi. Trong khung cảnh hữu tình ấy, du khách như càng hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa cũng như ý thức gìn giữ và lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Bình Dương. Cùng gia đình tham quan lễ hội và thưởng thức các tiết mục của hội thi, bà Nguyễn Thị Xê (xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết các nghệ nhân và tài tử ở đây chơi hay, biểu diễn nhiều bài về Bác Hồ, về Bình Dương và mùa trái chín ở Lái Thiêu.
Hội thi thu hút gần 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đờn, tài tử ca của 9 ban đờn ca tài tử - cải lương thuộc 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Tuy mỗi ban thuộc một địa phương nhưng tất cả đều có chung một tình yêu, sự trân quý với bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Riêng các chặp cải lương được các đơn vị đầu tư rất công phu, mang đến hội thi nhiều câu chuyện ý nghĩa như: “Ánh sáng soi đường” của Ban ĐCTT huyện Phú Giáo, “Dĩ An 20 năm xây dựng và phát triển” của Ban ĐCTT TX.Dĩ An, “Tâm tình quả ngọt” của Ban ĐCTT huyện Dầu Tiếng, “Yên bình nơi đất Thủ” của Ban ĐCTT TP.Thủ Dầu Một, “Người giữ vườn” của Ban ĐCTT TX.Thuận An...
Sức sống đờn ca tài tử
Theo thạc sĩ, NSƯT Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, các ban ĐCTT đã thi diễn bám sát chủ đề và thể lệ Ban tổ chức đưa ra, mang đến cho hội thi nhiều bức tranh sinh động, thể hiện những nét riêng của địa phương mình. Qua đó, ông cũng đề nghị Bình Dương cần có thêm nhiều hoạt động động viên các chủ thể sáng tác thêm những lớp nhạc sau để góp phần bảo tồn và phát huy cái hồn nhạc, những bài bản trong tài tử vì mục tiêu của chúng ta là quảng bá, bảo tồn và phát huy ĐCTT theo cam kết đã ký giữa Việt Nam với UNESCO.
Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đờn, tài tử ca đã cho thấy sức sống của ĐCTT đang ngày càng lan tỏa rộng trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, hội thi đã góp phần khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh công tác khôi phục, bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đậm chất dân gian - dân tộc, từng bước nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Cũng theo ông Lê Văn Thái, cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, Bình Dương luôn quan tâm chú trọng công tác bảo tồn, phát huy và phát triển ĐCTT Nam bộ. Bình Dương đã cố gắng tạo mọi điều kiện vật chất lẫn tinh thần để các nghệ nhân, nghệ sĩ cống hiến năng lực của mình trong lĩnh vực biểu diễn và sáng tác. Đặc biệt, kể từ năm 2013 đến nay, đã có nhiều các cuộc hội thảo về ĐCTT được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ uy tín.
THỤC VĂN