Bên cạnh thế mạnh phát triển du lịch từ các di tích - danh thắng và các điểm vui chơi, giải trí, Bình Dương còn là điểm đến của các du khách muốn tìm hiểu về làng nghề truyền thống, trong đó có các làng nghề nổi tiếng như sơn mài Tương Bình Hiệp, làng nghề gốm sứ Lái Thiêu, làng điêu khắc - chạm gỗ An Thạnh…
Vùng đất của các làng nghề
Hiện nay, Bình Dương có 32 làng nghề, 9 nghề truyền thống và 55 làng nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống đến nay vẫn còn gìn giữ và phát huy hiệu quả như làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm sứ Lái Thiêu, làng gốm sứ Tân Phước Khánh, làng gốm sứ Chánh Nghĩa, làng guốc Phú Thọ, làng điêu khắc - chạm gỗ Phú Thọ, làng điêu khắc- chạm gỗ An Thạnh, làng heo đất Lái Thiêu… Nhắc đến làng nghề truyền thống ở Bình Dương, nhiều người nhớ ngay đến làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một). Theo số liệu thống kê năm 1945, ở làng Tương Bình Hiệp có hơn 300 hộ gia đình làm nghề sơn mài, đến năm 2011 có 900 hộ với khoảng 3.000 lao động làm sơn mài.
Sản phẩm của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Ảnh: TRẦN DUY TÌNH
Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, cho biết thời kỳ vàng son của sơn mài Bình Dương là thời điểm 1945-1975, khi đó hàng sơn mài xuất khẩu sang các nước châu Âu, có giá trị thương mại lớn, đạt đỉnh cao về số lượng, với trình độ mỹ thuật và chất lượng nghệ thuật, sự đa dạng phong phú. Đến nay, do sự thay đổi của thị trường, ở Tương Bình Hiệp chỉ còn khoảng 30 hộ tiếp tục sản xuất, họ là những người yêu nghề, muốn lưu giữ lại những nét tinh hoa của văn hóa Việt trên sản phẩm sơn mài.
Cuộc thi “Sáng tác mẫu sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch Bình Dương năm 2018” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm, phát hiện những mẫu sản phẩm quà tặng lưu niệm, quà tặng du lịch độc đáo, qua đó góp phần quảng bá du lịch của địa phương đến với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 6-6 đến hết 10- 10-2018. Địa điểm nhận tác phẩm dự thi: Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương. Thông tin chi tiết về cuộc thi được đăng tải tại website: |
Về gốm sứ, ngoài làng nghề gốm sứ Lái Thiêu (TX.Thuận An) và Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một), làng gốm Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) là một trong 3 trung tâm gốm sứ lớn ở Bình Dương. Các cơ sở sản xuất gốm sứ ở Tân Phước Khánh chủ yếu sản xuất sản phẩm gốm sứ dùng trong sinh hoạt và gốm sứ mỹ nghệ. Điểm đặc biệt của gốm sứ Tân Phước Khánh là làm thủ công, chứa đựng những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần quý giá của gốm sứ truyền thống. Ở Lái Thiêu còn được biết đến với nghề làm heo đất; nghề này xuất hiện ở đây từ những năm 70 của thế kỷ trước. Trước đây, vùng Lái Thiêu có hơn 300 hộ làm heo đất, nay chỉ còn khoảng hơn 20 hộ gắn bó với nghề. Mặc dù số hộ theo nghề đã giảm nhiều nhưng nét đẹp truyền thống của làng nghề vẫn được bao thế hệ người dân nơi đây gìn giữ.
Đối với nghề đan lát của Bình Dương, chủ yếu tập trung ở TX.Tân Uyên với các sản phẩm sử dụng hàng ngày như quạt, thúng, mẹt… (ở Lạc An - nay thuộc huyện Bắc Tân Uyên), các sản phẩm mây, tre đan (phường Tân Phước Khánh)… Ngoài ra, Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất (phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) nổi tiếng với sản phẩm từ mây, tre, bèo, lục bình…
Cùng với các nghề gốm sứ, sơn mài, nghề điêu khắc gỗ cũng là ngành nghề truyền thống của Bình Dương. Nghề này hình thành và phát triển trên đất Bình Dương đã hơn 200 năm. Trở lại thăm làng nghề điêu khắc gỗ tại phường An Thạnh (TX.Thuận An), phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) hiện nay, mọi người vẫn văng vẳng nghe tiếng đục, tiếng cưa… như những năm thịnh vượng của nghề điêu khắc gỗ ở Bình Dương.
Phát huy du lịch làng nghề
Để đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, bên cạnh việc triển khai các nội dung của Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngành du lịch Bình Dương sẽ phối hợp với các địa phương, cơ sở sản xuất tại các làng nghề xây dựng du lịch làng nghề mang đặc trưng của Bình Dương. Theo đó, ngành sẽ triển khai các tour kết hợp tham quan di tích - danh thắng với tham quan làng nghề; đầu tưphát triển các sản phẩm thủcông độc đáo, mẫu mã đa dạng và phong phú; xây dựng tour trải nghiệm cho du khách tham gia vào quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống…
Hỗ trợ các thông tin về du lịch Bình Dương: Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương. Địa chỉ: 239 Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Điện thoại: 0274.3855636. Website: |
Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh từng bước quy hoạch, phân bố lại các khu vực làng nghề để phát triển du lịch đa dạng loại hình, như lu hũ ở Lái Thiêu, chén ở Tân Phước Khánh, sơn mài ở Tương Bình Hiệp, Định Hòa… theo đặc trưng của nghề và địa phương.
Có thể thấy, trong thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh đã tăng cường quảng bá, giới thiệu về du lịch làng nghề thông qua việc biên soạn và phát hành các ấn phẩm thông tin du lịch. Bên cạnh đó, khi tham gia gian hàng thông tin du lịch tại các ngày hội, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh, trung tâm đã kết hợp trưng bày và giới thiệu các sản phẩm du lịch làng nghề như sản phẩm sơn mài, guốc gỗ, mây tre đan… đến du khách. Đồng thời, trung tâm cũng đã phối hợp với các kênh truyền thông thực hiện chương trình giới thiệu, quảng bá về du lịch làng nghề…
Một số địa điểm tham quan làng nghề truyền thống và sản phẩm ở Bình Dương, như: Trung tâm Thương mại Minh Sáng Plaza (số 888, đại lộ Bình Dương, phường Thuận Giao, TX.Thuận An, điện thoại: 0274.3784576); Cơ sở sản xuất sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (số 166/8/7, Hồ Văn Cống, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, điện thoại: 0274.3825654); Showroom sơn mài Thanh Bình Lê (số 17, Hồ Văn Cống, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, điện thoại: 0274.3830605); Cơ sở sản xuất sơn mài Định Hòa (số 1308, đại lộ Bình Dương, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, điện thoại: 0274.3560567); Lò lu Đại Hưng (khu phố 1, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một); Cơ sở sản xuất gốm sứ Vạn Phú (số 37/3, Bình Hòa 1, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên).
KHÁNH ĐĂNG