Vì sao học sinh không yêu thích các môn xã hội?

Cập nhật: 02-11-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Thực trạng dạy học các môn xã hội

Kỳ II: Đổi mới phương pháp dạy và học các môn xã hội

HS không yêu thích các môn xã hội như văn, sử, địa, ngoài sự tác động của xã hội thì người thầy cũng có một phần trách nhiệm. Chương trình vốn đã nặng, một bộ phận giáo viên dạy khô khan, chưa hấp dẫn, khiến cho học sinh quay lưng với các môn học này. Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đã nhận xét như vậy.

Để HS không còn học văn với hình thức đối phó và nghĩ các môn sử, địa là những môn phụ, GV dạy các môn học này đang cố gắng đổi mới phương pháp dạy, nhằm tạo sự yêu thích môn học trong HS.  Giáo viên giảng dạy bằng giáo án điện tử, tạo sự hứng thú trong học tập cho HS

Tham dự tiết dạy văn của cô Văn Thị Bích Liên, trường THPT An Mỹ (TX.TDM) chúng tôi mới thấy người thầy đã có những nỗ lực thực sự, những mong truyền lửa đam mê học tập cho HS. Với bài “Sóng” của Xuân Quỳnh, cô Liên chọn giảng dạy bằng giáo án điện tử. Đầu tiên cô cho các em xem những hình ảnh của sóng biển thật, sau đó cô dẫn dắt HS vào “sóng” của tình yêu. Ở phần giới thiệu tác giả, tác phẩm cô có những hình ảnh minh họa sống động, tạo được sự tập trung vào bài học trong HS và những hình ảnh ấy dễ khắc vào trong trí nhớ của các em. Cô Bích Liên chia sẻ: “Qua những hình ảnh, tiếng nói, phim ảnh, tiết dạy bằng giáo án điện tử sinh động, HS dễ nhớ bài, nhưng GV cũng không nên quá lạm dụng, những tiết không cần thiết thì không nên dạy bằng cách này”.

Qua tham khảo một số GV dạy môn văn, chúng tôi nhận thấy, một số kinh nghiệm được các thầy cô áp dụng là sử dụng bản đồ tư duy, giúp cho HS dễ nhớ bài học; tóm tắt các nội dung bài học, đoạn văn để HS dễ thuộc, nhớ các kiến thức cơ bản; hướng dẫn HS tự học bằng nhiều cách, như: chuẩn bị bài ở nhà, HS trung bình thì chỉ cần trả lời những câu hỏi trong sách giáo khoa, còn HS khá giỏi cảm nhận được một số chi tiết hay và ghi nhận những thắc mắc cần chia sẻ với thầy cô.

Ngữ văn là môn học chính, môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tốt nghiệp, nhưng ngày nay HS rất sợ môn học này. Làm gì để HS yêu thích môn học, luôn là nỗi trăn trở của người thầy. Cô Trần Thị Mỹ Dung, GV văn trường THPT Bến Cát cho biết, tạo cho HS sự yêu thích môn học bằng cách người thầy cần tạo được ấn tượng tốt đối với HS, cố gắng thắp lên trong lòng các em ngọn lửa say mê học tập bằng mọi cách; giúp HS có phương pháp học và học phương pháp học.

Để có những tiết dạy tốt, GV tập trung soạn giảng nghiêm túc, đổi mới cách dạy, ứng dụng công nghệ thông tin và đồ dùng dạy học vào giảng dạy. Với các môn sử, địa, lý thuyết vốn đã nặng nề, nếu người thầy không tạo được sự thoải mái trong học tập, không có những tiết dạy sinh động thì chắc chắn học sinh sẽ “sợ” mỗi khi đến giờ học. Chính những lý do đó mà thầy Lê Xuân Tuyền dạy địa, trường THPT Bình Phú (TX.TDM); thầy Vũ Văn Quyết dạy sử trường THPT An Mỹ đã chịu khó đầu tư để có những tiết dạy hay. Các thầy thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin, đồ dùng dạy học vào giảng dạy; lồng ghép vào bài học những câu chuyện kể để dẫn chứng, minh họa, HS học mà cứ như được nghe kể chuyện nên không... buồn ngủ, mà hiểu bài ngay tại lớp.

Thực hiện đổi mới cách dạy, người thầy cần có sự sáng tạo, không đi theo lối mòn, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhưng cũng cần phù hợp tùy theo nội dung bài học. Cùng với những GV thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy, thì đây đó vẫn còn một bộ phận GV còn lúng túng trong thực hiện đổi mới. Một HS lớp 11 than thở, kỳ thi đại học vừa qua, HS thi đại học môn sử đạt điểm quá thấp, nên năm nay cô giáo dạy sử đã làm công tác tư tưởng cho HS cả lớp, rằng cô trò cùng thay đổi cách dạy và học để “dân ta phải biết sử ta”. Và cách của cô là trình chiếu và giảng là chính, còn phần ghi chép thì các em tự thân vận động”.

Hiện nay, nội dung chương trình vẫn còn nặng nề, một bộ phận GV dạy không gây hứng thú trong HS, dẫn đến việc HS ngại học các môn xã hội. Hậu quả là qua các kỳ thi, HS thường đạt điểm thấp, trong khi đây là những môn học dễ lấy điểm, giúp cải thiện kết quả thi. Để chấn chỉnh việc dạy và học nói chung, các môn xã hội nói riêng, qua mỗi kỳ thi, tổ bộ môn nghiệp vụ các trường THPT, Sở GD-ĐT cần có những cuộc họp rút kinh nghiệm, bàn biện pháp nâng cao chất lượng, mong sao tình hình sẽ được cải thiện hơn ở những kỳ thi sắp tới.

HỒNG THÁI - NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=370
Quay lên trên
X