Viêm mũi họng cấp tính tái phát ở trẻ em

Cập nhật: 12-06-2014 | 00:00:00

Khi thời tiết thay đổi, viêm mũi họng cấp tính tái phát là bệnh thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 7 - 8 tuổi. Sau 6 tháng tuổi, cơ thể trẻ phải tự tạo miễn dịch qua các lần nhiễm virus ở đường hô hấp trên (mũi, họng) trung bình từ 6 - 10 lần trong một năm cho đến khoảng 8 tuổi thì khả năng miễn dịch đã hoàn chỉnh, lúc này số lần viêm mũi, họng sẽ giảm xuống.

Như vậy, viêm mũi họng cấp tính ở trẻ em là quá trình tất yếu, hoàn toàn bình thường, không thể tránh khỏi để tạo ra miễn dịch. Bệnh thường dễ chẩn đoán, dễ khỏi nếu không bội nhiễm và biến chứng.  

Môi trường sống không sạch, thoáng, tiếp xúc với gia cầm… cũng dễ gây nên bệnh về đường hô hấp cho trẻ

Một số nguyên nhân gây bệnh: Bệnh thường do virus Rhinovvirus hoặc do các loại virus cúm gây ra; bệnh lây theo đường không khí qua các chất tiết của bệnh nhân (nước bọt, nước mũi…), nhất là khi thời tiết thay đổi; lưu ý nguyên nhân do các vi khuẩn dễ gây bội nhiễm như: Trực khuẩn Haemophillus influezae; phế cầu Streptococcus pneumoniae; liên cầu nhóm A tan huyết beta Streptococcus pyogenes…

Biểu hiện của bệnh: Sốt đột ngột có khi sốt cao (nhiệt độ 39 - 40oC) trong vài ba ngày, trẻ thường quấy khóc, vật vã, đôi khi có nôn hoặc tiêu chảy; ngạt mũi: Trẻ thường ngạt cả hai bên mũi; chảy nước mũi: chảy nước mũi nhầy đặc vàng; hạch cổ: có thể nổi hạch cổ hai bên; khám mũi, họng: niêm mạc mũi, họng sung huyết đỏ, nhiều xuất tiết.

Một số biến chứng có thể xảy ra: Dễ có biến chứng bội nhiễm; viêm tai giữa cấp viêm xoang cấp: thường gặp ở trẻ từ 3 - 7 tuổi, bệnh nhân sốt kéo dài từ 5 - 7 ngày, chảy nước mũi đặc, nhức đầu, chụp X.quang thấy mờ xoang; viêm thanh quản, khí quản, phế quản cấp; áp xe thành sau họng.

Xử trí ban đầu: Đối với bệnh nhẹ: có thể điều trị ngoại trú 3 - 4 ngày; giữ ấm, giảm hoạt động, nằm nghỉ ngơi, vệ sinh mũi họng tốt; dùng thuốc hạ sốt (Paracetamol) khi có sốt cao. Liều trẻ em được tính: 60mg/kg/24 giờ, chia làm 3 - 4 lần, khoảng cách dùng thuốc từ 6 - 8 giờ/lần; dùng thuốc nhỏ mũi để giảm ngạt mũi cho trẻ, tuy nhiên không nên nhỏ kháng sinh hoặc corticoid vào mũi trẻ; nếu thấy bệnh chuyển biến nặng, có dấu hiệu bội nhiễm và biến chứng, phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Biện pháp phòng bệnh: Nâng cao thể trạng, sức đề kháng; bảo đảm đủ dinh dưỡng; loại trừ các ổ viêm như: V.A; răng sâu…; tiêm chủng vaccin dự phòng; chống ô nhiễm môi trường: không hút thuốc lá trong nhà có trẻ nhỏ, nơi ở sạch sẽ thoáng khí…

DS.  NGUYỄN THỊ GIANG NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=482
Quay lên trên