Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12: Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách.
Tuy vậy, số lượng này mới chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt người, gấp 2 lần năm 2022. Trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không chiếm 86,9%.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế khi tới Hà Nội.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7% so với năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng và tăng 52,5% so với năm trước. Đó là do năm 2023, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Doanh thu năm 2023 của một số địa phương so năm trước như sau: Đà Nẵng tăng 133,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 68%; Hà Nội tăng 47,5%; Hải Phòng tăng 41,9%; Cần Thơ tăng 29,1%...
Số người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 12/2023 là 352,1 nghìn lượt, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt người, gấp 2 lần năm trước.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng thông tin: Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Bình Thuận với chủ đề “Hội tụ xanh” đã thành công tốt đẹp với 208 sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế; 11 hoạt động cấp quốc gia; 164 sự kiện, hoạt động do 41 tỉnh, thành phố tổ chức hưởng ứng khắp cả nước. Riêng Bình Thuận tổ chức hơn 30 sự kiện, góp phần lan tỏa vai trò của ngành du lịch đối với nền kinh tế quốc gia, cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Lần đầu tiên, Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so năm 2022. Tỉnh này cũng lọt vào danh sách 9 địa phương có doanh thu du lịch cao nhất cả nước, góp phần đưa du lịch phục hồi, phát triển, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Tiếp theo, Năm Du lịch Quốc gia 2024 sẽ do Điện Biên chủ trì với chủ đề “Điện Biên - Trải nghiệm khác biệt”. Đây là sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế, đặc biệt gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Năm 2023, hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” lần thứ 4. Tại lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”; nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá khác.
Đến nay, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022), với nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng hơn. Cả nước có 37.331 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ; 573 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 7 khu du lịch cấp quốc gia được công nhận; 90 cơ sở đào tạo được ủy quyền cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Về cơ sở lưu trú, cả nước hiện có khoảng 38.000 cơ sở với hơn 780.000 buồng.
Theo TTXVN