Tập đầu tiên của chương trình Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s got talent vừa phát sóng trên VTV3 hôm 18.12 khiến không ít khán giả băn khoăn về hai chữ “tài năng”.
Theo chia sẻ từ những người thực hiện cũng như ban giám khảo, tài năng không chỉ nhắm đến sự xuất chúng, những người đang hoạt động nghệ thuật hay được nhìn nhận, tán dương bởi khán giả..., mà ở sân chơi này, tài năng có thể được hiểu... nhẹ nhàng, đơn giản hơn và tài năng có thể có từ những người bình thường nhất. Theo đó, dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, dù là người nông thôn hay thành thị, khi được gọi là tài năng, nghĩa là mình đã khám phá và làm được điều gì đó khiến mình thích thú và góp phần làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. “Vai trò của ban giám khảo ở cuộc thi này chính là khám phá, khích lệ để giới thiệu đến công chúng những tài năng tiềm tàng trong mỗi con người VN”, NSƯT Thành Lộc cho biết.
Thí sinh đến từ chùa Long Thạnh, Long An Vậy nên xem tập đầu tiên của Vietnam’s got talent, nếu không “tham khảo” quan điểm của chương trình, hẳn sẽ không ít khán giả ngạc nhiên vì “sao tài năng lại quá bình thường đến thế”. Đó là anh bán kẹo kéo mưu sinh bằng giọng hát của mình, là một nghệ sĩ cầm đàn guitar dạo, ảo thuật gia đường phố trình diễn trước các hàng quán về đêm, là anh cắt cải bắp trên chợ nổi Cái Răng, là tiếng hát anh nông dân trong vụ mùa thu hoạch cà phê... Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn không thiếu những “tài lạ” như anh Nguyễn Phi Châu với tài xâu kim độc đáo, hay cô bé Chiara có thể hát được nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Ý và Việt...
Chương trình phát sóng vào 21 giờ chủ nhật hằng tuần trên VTV3. Từ 15.1.2012 chương trình sẽ chuyển giờ phát sóng từ 20 giờ.
Tuy chỉ mới là tập đầu tiên, với nội dung nghiêng về sự giới thiệu chung, nhưng chương trình đã khái quát các tài năng của một nửa các tỉnh, thành đã đến (Đà Nẵng, Đắk Lắk, Long An, Cần Thơ, TP.HCM). Thế mà vẫn chưa thấy gương mặt, hiện tượng nào nổi bật và thật sự lôi cuốn.
Do đó, xem chương trình có cảm giác đây là cuộc giới thiệu về sự đa dạng, phong phú trong sinh hoạt văn nghệ quần chúng tại các vùng miền chứ chưa toát lên được sự đặc sắc, thú vị của một phiên bản tìm kiếm tài năng.
Bởi, trước đây, khi các chương trình mua bản quyền nước ngoài được sản xuất tại VN và phát sóng, sự quan tâm của công chúng thường được phản ảnh rầm rộ ngay sau tập đầu tiên lên sóng (qua mạng xã hội, qua các diễn đàn...). Nhưng với Vietnam’s got talent, có vẻ ấn tượng đầu tiên về các “tài năng” khá mờ nhạt! Nên chẳng biết trong hành trình còn lại, những người thực hiện sẽ khám phá lẫn “khai quật” các tài năng Việt như thế nào, để không chỉ mang đến cho làng giải trí những hiện tượng mới lạ, thuyết phục, mà quan trọng hơn là tạo được sức hút cho chính mình - một chương trình truyền hình thực tế vốn nổi tiếng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo TNO