Bên cạnh khai thác tiềm năng thế mạnh là cây cao su, những năm qua, xã Phước Hòa tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp giúp phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của HTX Trọng Tín Phước Hòa giúp kết nối thị trường tiêu thụ ổn định cho thành viên
Từ chăn nuôi…
Trước đây, gia đình anh Phạm Trọng Tứ, ấp Bàu Cỏ chăn nuôi gà với số lượng nhỏ, từ 150 - 200 con, chủ yếu bán cho bà con xung quanh. Trong một dịp lên TP.Hồ Chí Minh, anh Tứ đã kết nối được mối tiêu thụ lớn cho chuỗi các nhà hàng chuyên chế biến các món ăn từ gà. Từ đây, anh đã quyết định mở rộng trang trại chuyên cung cấp sản phẩm gà sạch.
Đầu năm 2023, anh đầu tư vốn nuôi hơn 1.000 con gà, mặt khác vận động các hộ dân xung quanh tập hợp lại để thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi gà sạch Trọng Tín Phước Hòa gồm 7 thành viên. Đồng thời, liên kết với các trại gà khác để bảo đảm số lượng cung ứng cho thị trường.
Dẫn chúng tôi đi thăm trại gà hoàn toàn được nuôi thả xung quanh vườn, anh Tứ cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang tập trung số lượng lớn để cung cấp cho dịp tết sắp tới. Cùng với số lượng gà của gia đình gần 2.000 con, các thành viên khác mỗi gia đình khoảng 400 - 500 con. Ngoài ra, chúng tôi liên kết với một số trại gà chuyên nuôi gà tre để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với các trang trại liên kết sau khi họ nuôi được 3 - 4 tháng, tôi sẽ thu mua về nuôi tiếp trong vòng 3 tháng sau đó mới xuất đi thị trường”.
Cũng theo anh Tứ, HTX chăn nuôi gà sử dụng nguồn thức ăn chính là bắp, rau, chuối. Gà được mua từ các trại chăn nuôi về cũng được cho ăn, uống từ nguồn thức ăn hữu cơ để bảo đảm thịt gà luôn thơm ngon, săn chắc. Việc liên kết các hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ tập hợp thành mô hình kinh tế tập thể về lâu dài sẽ giúp các thành viên phát triển bền vững, thị trường ổn định từ đó sẽ cải thiện đời sống kinh tế gia đình.
Đến trồng trọt
Với diện tích đất hơn 5 ha, gia đình ông Châu Văn Lợi, ấp Suối Con đã phát triển kinh tế gia đình nhờ trồng bưởi da xanh, trong đó có 2,6 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Khu vườn ông Châu Văn Lợi rộng rãi, những trái bưởi xanh mơn mởn trĩu cành đang chờ tới vụ thu hoạch. Ông Lợi cho biết: “Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên vườn bưởi của gia đình cho thu hoạch quanh năm. Trung bình mỗi 1 ha cho năng suất khoảng 15 tấn bưởi/năm”.
Vườn bưởi da xanh cho thu nhập khá là kết quả của sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công. Theo lời của ông Lợi, trước năm 2017, gia đình chỉ trồng cao su. Sau này do giá cao su giảm nên gia đình mạnh dạn chuyển đổi 5 ha sang trồng bưởi. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ trước và cây bưởi hợp thổ nhưỡng nên luôn cho năng suất cao, trái đạt chuẩn. Ngoài trồng cao su và bưởi, gia đình ông Lợi còn trồng sầu riêng, nuôi yến giúp tăng thu nhập.
“Vụ tết này, gia đình đã sẵn sàng số lượng khoảng 60 - 70 tấn bưởi cung ứng cho thị trường. Chỉ mong khi đó giá cả tốt để bảo đảm thu nhập cho nông dân và người lao động. Hiện nay, thị trường tiêu thụ của nhà vườn chủ yếu trông chờ vào các thương lái. Người nông dân rất mong được chính quyền hỗ trợ kết nối tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất”, ông Lợi chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hòa, để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, xã phối hợp với các ngành chức năng tư vấn vềphương thức lựa chọn cây, con giống, nhận biết phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thật, nhằm áp dụng chăm sóc cho cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao. Hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, quảng bá sản phẩm. Hội Nông dân xã đã hướng dẫn 1 đơn vị đăng ký sản phẩm VietGAP trên địa bàn là sản phẩm bưởi da xanh của ông Châu Văn Lợi, 1 sản phẩm yến Hiếu Thảo đã đăng ký đạt chuẩn OCOP.
TIẾN HẠNH - LÝ HUY