Khi người ở trọ đoàn kết, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, khu nhà trọ đó sẽ an toàn với Covid-19. Để làm được điều đó không phải dễ, đòi hỏi mỗi cư dân ở trọ phải có quyết tâm cao, kiên trì mỗi ngày để bảo vệ “pháo đài” của mình.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh đi chợ và giao đến từng phòng trong khu trọ của mình
Nhiều khu trọ còn chểnh mảng chống dịch
Những ngày qua, chúng tôi đã đặt chân đến nhiều khu nhà trọ trong 11 phường “khóa chặt, đông cứng” ở TX.Tân Uyên, TP.Thuận An và bất ngờ khi nhìn thấy nhiều khu trọ còn chểnh mảng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trên đường Thuận Giao 31, phường Thuận Giao, TP.Thuận An, hiện rất nhiều khu trọ bị dịch bệnh xâm nhập. Tuy vậy, người ở trọ vẫn vô tư không đeo khẩu trang phòng dịch trong khuôn viên khu trọ của mình. Chiều đến, họ tụ tập ra phía trước khu nhà trọ để trò chuyện và đi sang các phòng khác mà không đeo khẩu trang.
Một khu nhà trọ khác trên đường Thủ Khoa Huân, phường Thuận Giao, TP.Thuận An cũng không khá hơn. Dù bên ngoài cổng khu trọ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Thuận Giao đã treo biển “Khu vực phong tỏa, cách ly y tế”, nhưng theo quan sát của chúng tôi, bà con ở đây vẫn không đeo khẩu trang, vô tư đi lại, tụm 5 tụm 3 trò chuyện bên trong.
Tại một số khu nhà trọ ở phường An Phú, Bình Hòa (TP.Thuận An) hay phường Khánh Bình, Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên)... cùng chung tình trạng trên. Trong những ngày thực hiện “khóa chặt, đông cứng”, khi các con hẻm hay lối vào các khu nhà trọ bị lực lượng rào chắn, vậy là bên trong người dân tự do tiếp xúc, thiếu sự đề phòng dịch bệnh. Khi sống chung cùng dãy trọ, nếu không may một người bị bệnh sẽ nhanh chóng lây bệnh cho hàng chục người khác.
Đặc biệt, những ngày gần đây, khi một số địa phương được định ngày quay trở lại “bình thường mới”, người dân sẽ được phép đi lại trong phường, công tác tiêm ngừa vắc xin được đẩy mạnh, không ít người đã xuất hiện tâm lý chủ quan về dịch bệnh. Đó là ra đường nhiều hơn, trò chuyện với người khác nhiều hơn. Trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp, mỗi ngày toàn tỉnh vẫn đang có hàng ngàn ca dương tính. Chúng ta phải hiểu rõ, dù một địa phương được quay lại “bình thường mới” thì dịch bệnh vẫn phải được kiểm soát chặt. Theo đó, từng xã, phường phải có lộ trình kiểm soát dịch đến từng con hẻm, khu nhà trọ... Vì thế, xin đừng chủ quan với dịch bệnh.
Phải xem khu trọ là “pháo đài”
Từ chỗ xem khu trọ là nhà, là “pháo đài” cần được bảo vệ nghiêm ngặt, rất nhiều khu nhà trọ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có cách làm hay, không để dịch bệnh lây lan sau nhiều đợt dịch bệnh. Điển hình như khu trọ của anh Nguyễn Văn Hải ở số 373, đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một. 3 tháng nay, khi thấy đợt dịch thứ 4 có dấu hiệu bùng phát mạnh, anh Hải lập nhóm Zalo cho khu trọ của mình. Mỗi ngày trôi qua, thông tin phòng, chống dịch xuất hiện trên nhóm ngày một nhiều hơn, ý thức bà con về Covid-19 được nâng cao dần qua những bài viết được chia sẻ trên nhóm.
Kế đến, người ở trọ không tiếp khách từ bên ngoài vào khu trọ. Bước tiếp theo là lập trưởng nhóm nhà trọ. Người này sẽ là “tai, mắt” của chủ trọ để quán xuyến chung. Mỗi ngày, trưởng nhóm lên Zalo hỏi xem phòng nào thiếu gạo, lương thực cần tiếp tế hay cần mua thức ăn gì trong ngày. Qua đó, 5 giờ sáng mỗi ngày, chủ trọ sẽ đi chợ giúp thay cho cả khu trọ. Hôm nào chủ trọ không đi thì trưởng nhóm đi chợ thay.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, trưởng nhóm nhà trọ tại đây cho hay: “Tối đến, sau khi tổng hợp hóa đơn các phòng, tôi gọi cho một số cửa hàng thực phẩm thân quen trong khu phố để đặt hàng. Tất cả phải xem khu trọ là nhà, một người nhiễm bệnh là cả khu trọ nhiễm bệnh, phải có ý thức cao. Để làm được việc này không hề dễ. Chúng tôi phải vận động nhau mỗi ngày, chia sẻ thông tin theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, từ đó bà con hiểu được và cùng có trách nhiệm”.
Khi ý thức về phòng, chống dịch bệnh của khu trọ được nâng cao, khu trọ này trở thành một tập thể đoàn kết như một “pháo đài” chống Covid-19. Mỗi lần đi nhận lương thực, thực phẩm cứu trợ hay đi test Covid, họ cùng đi một lượt, không đi đơn lẻ và chọn khung giờ đến sớm hoặc trễ nhất để cùng đi. Khi một phòng trọ hết gạo, thức ăn, các phòng khác chia sẻ, giúp đỡ. Bằng mối quan hệ của mỗi người trong khu trọ, họ đã kêu gọi được khá nhiều nguồn hỗ trợ về gạo, lương thực. Sự đoàn kết ấy đã tạo thành một khối thống nhất, không để ai đói, cũng không có lời kêu ca, than phiền nào trên trang cá nhân trong những ngày phòng, chống dịch bệnh. Điều này còn tạo dựng một “pháo đài” vững chắc, không để dịch bệnh xâm nhập vào khu trọ của mình.
Tương tự, khu trọ của anh Nguyễn Thanh Tâm, tổ 57, khu phố 7, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một cũng vậy. Từ ngày xảy ra đợt dịch bệnh thứ 4, người ở trọ nhanh chóng lập Zalo nhóm, đề ra nguyên tắc nhà cách nhà, không tụ tập, không trò chuyện, đi ra khỏi phòng phải đeo khẩu trang; ai đói, ai khổ phải lên tiếng để cùng trợ giúp nhau; ai bệnh đau không được giấu; cổng khu trọ phải luôn khóa... Họ đồng cảm, giúp nhau từ cọng rau, con cá, hạt gạo. Chính vì vậy, hàng chục phòng trọ tại đây không một ai nhiễm Covid-19.
Qua những ghi nhận thực tế trên có thể nhận thấy, nếu người ở trọ có ý thức cao trong phòng, chống dịch bệnh, xem khu trọ là nhà, là “pháo đài” cần được bảo vệ, dịch bệnh sẽ rất khó xâm nhập.
QUANG TÁM