Việc phát triển mô hình điểm sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm cam, bưởi tại Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Minh Hòa Phát (gọi tắt là HTX Minh Hòa Phát), xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng góp phần bảo vệ, nâng cao giá trị sản phẩm, đưa thương hiệu cây ăn trái của Bình Dương vươn xa.
Sản phẩm bưởi của HTX Minh Hòa Phát được dán nhãn hiệu tập thể
Sản phẩm chất lượng, an toàn sức khỏe
Vùng đất Minh Hòa có thổ nhưỡng phù hợp trồng các loại cây ăn trái có múi. Chính vì vậy, những năm qua nông dân trong xã đã tăng diện tích các loại cây trồng này và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Tống Văn Hướng, Giám đốc HTX Minh Hòa Phát, chia sẻ trong quá trình triển khai xây dựng nhãn hiệu cam, bưởi tập thể, các thành viên HTX nói riêng và các hộ dân trồng cam, bưởi trên địa bàn huyện Dầu Tiếng nói chung đều mong muốn sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Đến nay, tất cả sản phẩm cam, bưởi của HTX đã có nhãn hiệu riêng.
“Nhờ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo đảm chất lượng cao, an toàn sức khỏe nên sản phẩm của chúng tôi được khách hàng ưa chuộng. HTX cũng đã tổ chức chương trình giao lưu với các HTX ở Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nội. Hiện nay, nhiều siêu thị tại các địa phương này đã ký kết với HTX trưng bày bán sản phẩm cam, bưởi. Chúng tôi rất vui mừng vì kết quả này”, ông Tống Văn Hướng nói.
Ông Hướng cho biết thêm trong quá trình HTX Minh Hòa Phát triển khai mô hình điểm sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm cam và bưởi đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, đã có hơn 10 đoàn từ các tỉnh, thành trên cả nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm hoạt động của HTX. Các đoàn đánh giá cao cách làm của HTX, đã mang lại những sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng.
HTX Minh Hòa Phát có diện tích trồng cam, bưởi 150 ha. HTX đang chuyển đổi diện tích trồng cam, quýt sang trồng bưởi da xanh và sầu riêng. Để tăng năng xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và sức lao động, thời gian qua HTX đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào canh tác. Đến nay, 100% diện tích cây trồng của HTX đều sử dụng hệ thống tưới tự động. Hiện nay, bưởi da xanh của HTX cho thu hoạch 30 tấn/ ha, sầu riêng 25 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi xã viên có thu nhập 450-500 triệu đồng/năm.
Nhân rộng mô hình
Những ngày đầu tháng 10- 2024, đoàn công tác Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh và Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng đã đến khảo sát, đánh giá hiệu quả thực hiện mô hình điểm sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm cam và bưởi tại HTX Minh Hòa Phát. Tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết việc xây dựng và phát triển mô hình trình diễn sử dụng nhãn hiệu tập thể tại HTX Minh Hòa Phát là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương. HTX Minh Hòa Phát đóng vai trò quan trọng trong việc thử nghiệm, rút ra kinh nghiệm cho việc sử dụng nhãn hiệu. Đây cũng là cơ sở để nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết hợp tác với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân tiếp cận chuyển đổi số, tham gia sàn thương mại điện tử. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể để sản phẩm của HTX Minh Hòa Phát ngày càng nâng cao chất lượng, phát triển, mở rộng thương hiệu, thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thành Nhân cho rằng nông dân huyện Dầu Tiếng cần cù, chịu khó học hỏi kỹ thuật canh tác làm ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm an toàn sức khỏe, đặc biệt là sản phẩm cam và bưởi. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh mong muốn chung tay cùng các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân phát triển nhãn hiệu tập thể. Đây là một trong những giải pháp góp phần vào sự phát triển bền vững nền nông nghiệp tỉnh nhà nói chung, huyện Dầu Tiếng nói riêng.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ