Trong tham luận tại hội thảo về công tác phòng, chống tội phạm giết người và cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội được Ban chỉ đạo 138 tỉnh tổ chức, thượng tá, tiến sĩ Bùi Thành Chung và trung úy Nguyễn Bá Ngọc (thuộc khoa Cảnh sát hình sự, trường Đại học Cảnh sát nhân dân) đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm kiềm chế các loại án này, trong đó trọng tâm là chú trọng công tác phòng ngừa.
Tăng cường tuần tra, xử lý đối tượng thanh thiếu niên vi phạm là để phòng ngừa tội phạm Ảnh: THANH QUANG
Theo tham luận, Bình Dương có quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, là địa chỉ hấp dẫn thu hút nguồn lao động từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống. Quá trình phát triển công nghiệp, đô thị nhanh của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua cũng đã phát sinh những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự tại nhà trọ, quán nhậu, tiệm cầm đồ... Bên cạnh đó, do thói quen, nếp sống trong nhân dân cũng khá đa dạng là những vấn đề có ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
Trong thời gian qua, Công an Bình Dương đã có nhiều cố gắng, đề ra nhiều kế hoạch, biện pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm. Nhờ đó, tình hình tội phạm nói chung đã được kiềm chế, tỷ lệ điều tra được nâng lên, đặc biệt tội phạm mang tính chất bạo lực, có tổ chức về cơ bản đã được kiềm chế. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm giết người trong thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh Bình Dương cần chú ý thực hiện một số giải pháp như cải tiến công tác truyền thông, vận động và tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia phòng chống tội phạm tại địa bàn cơ sở. Lực lượng công an xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chủ động phối hợp với công an cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền tại các khu dân cư, xóm ấp, khu phố. Hình thức tuyên truyền, vận động phải kết hợp với hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa tại từng địa phương. Đồn công an các khu công nghiệp, lực lượng công an cơ sở nơi tập trung các khu nhà trọ cùng Ban quản lý khu công nghiệp, tổ chức công đoàn, các tổ chức xã hội kết hợp tuyên truyền với các biện pháp quản lý hành chính, răn đe, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, bảo vệ an toàn cho người dân làm ăn, sinh sống hợp pháp.
Tham luận đã chỉ ra được các giải pháp cụ thể, thiết thực với tình hình thực tế của Bình Dương. Trong đó, nâng cao vai trò của công tác tuyên truyền pháp luật, phòng ngừa, hòa giải cơ sở, đặc biệt là ở các khu vực có nhiều người lao động sinh sống, khu vực nhà trọ là giải pháp trọng tâm. Đây cũng là điểm chung của nhiều tham luận được trình bày tại hội thảo này.
Ông Phạm Phú Nam, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, TP.Thuận An cho rằng để chủ động giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn phường thì sự phối hợp giữa công an địa phương và các ban ngành, đoàn thể phải chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phức tạp. Chính nhờ sự phối hợp giữa các ban ngành ở địa phương tốt nên tình hình an ninh trật tự được giữ vững. Trong khi đó, bà Phạm Thị Hồng Viện, chủ một khu nhà trọ trên địa bàn phường An Phú, TP.Thuận An, cho rằng khi chủ nhà trọ và người ở trọ có sự trao đổi thông tin thường xuyên sẽ kịp thời phát hiện những đối tượng xấu ẩn nấp ở các khu nhà trọ chờ thời cơ ra tay, tránh được các vụ án cố ý gây thương tích, giết người, đặc biệt là ở các khu nhà trọ. Vì vậy, vai trò của các mô hình quần chúng tham gia bảo bệ an ninh Tổ quốc là rất quan trọng.
L.T.PHƯƠNG