Múa lân sư rồng đầu năm mới mang ý nghĩa cầu chúc những điều may mắn, phát đạt, hạnh phúc... nên tiếng trống lân đã trở thành thanh âm không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Bình Dương. Trong 2 năm qua, nhiều đoàn lân - sư - rồng tỉnh đã gồng mình vượt khó. Với niềm đam mê bộ môn nghệ thuật độc đáo này, nhiều đoàn lân ở Bình Dương vẫn duy trì tập luyện mong được biểu diễn đông vui như trước.
Múa hẩu thường xuất hiện trong các lễ cúng thiêng liêng. Trong ảnh: Là đoàn hẩu Phước Võ Điện trong lễ cúng rước ông Bổn đi tuần du ở lò chén (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một)
Gồng mình vượt khó
Trong 2 năm trở lại đây, nhiều đoàn lân của tỉnh ít nhiều rơi vào tình cảnh lao đao do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đối với đoàn lân trẻ như An Nghĩa Đường (huyện Bàu Bàng) thì đây là khoảng thời gian đoàn ngưng tất cả các hoạt động tập luyện đến đi show để bảo đảm an toàn cho các thành viên. Anh Lê Trường An, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Lân - sư - rồng An Nghĩa Đường cho biết, đoàn có khoảng 20 thành viên, hầu hết là học sinh và công nhân làm việc tại các công ty nên phải ngưng tập luyện để bảo đảm bảo toàn sức khỏe cho mọi người.
Còn theo ông Lưu Gia Thắng, Chủ nhiệm CLB Lân - sư - rồng Gia Thắng Đường (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh), 30 thành viên của đoàn đã ngưng tập luyện để chấp hành lệnh giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh của địa phương. Trong 2 năm qua, các show diễn liên tục bị hủy do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều show cơ bản trong tỉnh như phục vụ các giải đấu thể dục thể thao của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương cũng phải hủy. Tuy nhiên, nhiều thành viên trong đoàn đã tham gia tuyến đầu, góp sức cùng chính quyền phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Cùng cảnh ngộ với CLB Gia Thắng Đường, CLB Lân - sư - rồng Long Kun (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh) cũng đã bị hủy hơn 60% show diễn. Tuy nhiên, với tinh thần tuổi trẻ nhiệt huyết, ngưng tập luyện chứ không ngừng cống hiến, nhiều thành viên cũng đã tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh.
Độc đáo múa hẩu Bình Dương
Ngoài múa lân sư rồng, Bình Dương còn nổi tiếng với múa hẩu. Theo tín ngưỡng người Hoa ở Bình Dương thì mỗi bang sẽ cốt tinh một con vật. Ví như người Phước Kiến có cốt tinh con hổ, người Sùng Chính cốt tinh con chó, người Triều Châu cốt tinh con ngựa thì người Quảng Đông cốt tinh con dê. Và dần dần theo đó mỗi người sẽ mang cho mình những điệu múa lốt mang đặc thù riêng của mình. Nếu như người Quảng Đông rộn ràng với tiếng trống múa lân, người Sùng Chính nhộn nhịp với điệu múa sư tử thì người Phước Kiến tự hào với điệu múa hẩu.
Tìm đến đoàn hẩu Phước Võ Điện (TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi đã có dịp hiểu rõ hơn về sự độc đáo của múa hẩu ở Bình Dương. Theo ông Vương Quang Tính, cố vấn nghệ thuật đoàn hẩu Phước Võ Điện, múa hẩu mang đậm tính chất tín ngưỡng, trang nghiêm. Hẩu không dùng để múa biểu diễn phục vụ vui chơi, giải trí như múa lân, múa sư, múa rồng mà chỉ xuất hiện trong các lễ cúng thiêng liêng. Bởi, múa hẩu là tiết mục đặc biệt trong lễ cúng các vị thần bảo hộ của người Phước Kiến, thường là trong lễ cúng rước ông Bổn đi tuần du ở các vùng làm lò chén ở Búng, Lái Thiêu, Chánh Nghĩa và Tân Phước Khánh, Bình Dương. Sau lễ cúng tại đền, miếu, người Phước Kiến làm lễ rước kiệu có tượng thần, có các đoàn hẩu, lân theo hộ giá đi diễu hành ngoài đường. Theo truyền thuyết, thổ địa chính là vị thần đã thu phục hẩu, nên trên đường hộ tống ông Bổn tuần du gặp miếu Thổ Địa là tổ của hẩu, hẩu đều phải đến cúi lạy chào, nhưng ý nghĩa sâu xa hơn nữa nhằm khẳng định nguồn gốc hẩu sinh ra từ đất, kính ngưỡng thổ địa chính là nhớ đến nguồn gốc sinh ra của mình.
Ngoài đoàn hẩu Phước Võ Điện, Bình Dương còn có 4 đoàn hẩu gốc họ Vương và 5 đoàn hẩu lớn khác. Năm nay, hầu hết các đoàn đều không tổ chức nghi thức khai quan điểm nhãn và chỉ sinh hoạt, biểu diễn phục vụ trong cộng đồng. Tết này dự kiến các đoàn sẽ đến chúc xuân các chùa, đình và các gia đình trong cộng đồng, hy vọng mang đến nhiều may mắn, tài lộc đến mọi người để nhà nhà, người người đều đón tết, vui xuân đầm ấm, an lành.
THỤC VĂN