Đừng “nuôi gà chọi” nữa

Cập nhật: 02-07-2014 | 10:09:57

  Có lẽ, VFF nên hình thành một giải đấu U19-League để tạo thêm cơ hội cho các cầu thủ trẻ rèn luyện và trưởng thành. Ảnh: Dũng Phương

Hôm nay, đội tuyển U19 quốc gia sẽ được tập trung trước khi sang Nhật Bản tập huấn trong 3 tuần. Đây là đợt tập huấn nước ngoài thứ 2 sau chuyến du đấu tại châu Âu và là đợt tập trung thứ 3 sau lần thi đấu Nutifood Cup.

Ai cũng biết, lý do mà đội tuyển trẻ này được thi đấu giao hữu tưng bừng như vậy là để hướng đến mục tiêu vào tốp 4 tại VCK U19 châu Á diễn ra vào tháng 10 tới đây. Tính ra, các cầu thủ U19 thi đấu quốc tế gần 20 trận trong năm 2014, đáng xem là một con số kỷ lục. Và ai cũng biết, đá được nhiều như vậy cũng nhờ nguồn lực tài chính của bầu Đức khi thành phần nòng cốt của U19 xuất thân từ Học viện HAGL-Arsenal.

Được như thế này hoài thì quá tốt, chưa chắc ở đâu cũng có được điều kiện như đội tuyển U19 Việt Nam. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là lỡ như không thành công tại VCK U19 châu Á thì sao? Sang năm 2015, khi đội U19 trở thành đội U20, họ sẽ tập luyện, thi đấu thế nào? Không lẽ VFF và bầu Đức cứ “nuôi” đội bóng này đều đều theo kiểu như năm nay?

Trên thực tế, bảo là đội tuyển U19 Việt Nam, chứ trong danh sách sang Nhật Bản lần này, có đến 11 cầu thủ đã tròn 19 tuổi, tức là thuộc lứa U20 mất rồi. Lứa tuổi này đã có thể đá hạng nhất, V-League chứ chẳng ở đâu lại chăm bẵm tập trung đá giao hữu suốt năm như Việt Nam. Nói như vậy để thấy, VFF phải nghĩ ra giải pháp phát triển khác, chứ không thể lại quay về kiểu “nuôi gà chọi” như năm 2014.

Hiện nay, ở vùng Đông Nam Á cũng đã có tổ chức giải U19 thường niên. AFC thì đã định kỳ tổ chức Asian Cup cho lứa tuổi này 2 năm một lần, nhằm tìm ra đại diện đá giải U20 thế giới cũng 2 năm một lần. Mật độ thi đấu như vậy là rất dày đặc, đủ để bóng đá Việt Nam xây dựng lại hệ thống thi đấu giải trẻ của mình cho phù hợp, đồng thời tận dụng lợi thế mà phát triển.

Thực tế hiện nay, giải bóng đá U19 quốc gia chỉ đá gói ghém trong hơn 1 tháng với chừng 10-12 trận cho các cầu thủ trẻ. VFF yêu cầu các CLB chuyên nghiệp phải có đội U18 nhưng với chừng ấy trận đấu trong năm, phải chăng là rất lãng phí. Như đã nói, với mật độ thi đấu quốc tế dày đặt nói trên, có lẽ cần tính đến phương án kéo dài thời gian thi đấu của lứa tuổi U19, vốn là tuyến kế thừa tại các CLB.

Nên chăng VFF tổ chức một giải U19-League đá song song với các giải hạng Nhất, V-League. Vừa giúp hoạch định bóng đá trẻ theo mô hình chuyên nghiệp, vừa tạo ra cơ hội cho các cầu thủ tiềm năng ra sân chơi bóng. Như chúng ta đều biết, các cầu thủ lứa 20-21 tuổi hiện nay đều đã chơi trong đội hình 1 ở các CLB Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội T&T, Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai... trong khi tuyến U19 lại không được thi đấu đều đặn để nâng cao trình độ và kinh nghiệm. Đấy xem ra cũng là một điều thiệt thòi.

Nếu lấy cơ sở trên đội tuyển U19 hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có thể mơ đến việc dự giải U20 thế giới, điều mà ở cấp đội tuyển Olympic hay đội tuyển quốc gia không thể làm được. Thế thì tại sao chúng ta cứ hô hào phát triển bóng đá trẻ mà lại không tổ chức nổi một giải đấu suốt năm cho cầu thủ trẻ, thay vì tập trung cho kiểu “nuôi gà chọi” nhờ lứa học viên HAGL và túi tiền của bầu Đức vốn chỉ mang tính thời điểm như hiện nay?

Điều này là rất đáng để suy ngẫm!

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=335
Quay lên trên