Giúp ngư dân vươn khơi, bám biển

Cập nhật: 02-07-2014 | 10:10:49

Đến năm 2020, phải có 30.000 tàu vỏ thép giúp ngư dân đánh bắt xa bờ, vươn khơi, bám biển sẽ trở thành hiện thực khi mới đây Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lập gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng cho ngư dân; rà soát, sửa đổi các quy định để hỗ trợ tối đa cho ngư dân bám biển. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá lại các chính sách hỗ trợ ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân để phát triển nhanh, mạnh nghề cá.

Về gói 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu thép, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ ngư dân đóng tàu thép với lãi suất ở mức 5%/năm. Ngoài ra, các địa phương phải hỗ trợ thêm để ngư dân chỉ chịu lãi suất 2 - 3%/năm. Bên cạnh đó phải có chính sách mua bảo hiểm thân tàu và tính mạng cho ngư dân. Đồng thời, phải hỗ trợ tối đa cho ngư dân, không được để ngư dân ra khơi mà phải đi vay nặng lãi.

Hiện nay, trước tình hình an ninh trên Biển Đông đang rất phức tạp, giải pháp tốt nhất để giữ vững ngư trường truyền thống là giúp ngư dân thêm vững tinh thần kiên cường bám biển, không nao núng, do dự trước những động thái gây hấn của tàu Trung Quốc. Để bảo đảm đội tàu thép vững chãi có công suất lớn bám biển xa bờ, Chính phủ và các địa phương đã và đang triển khai nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ ngư dân, giúp ngư dân giữ vững các ngư trường truyền thống, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Cùng với thái độ bất chấp luật pháp quốc tế trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, hung hăng tấn công tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển Việt Nam, tàu Trung Quốc còn xua đuổi, tấn công gây hư hỏng, thậm chí đâm chìm tàu, cướp tài sản của ngư dân ngay trên vùng biển của ta. Mặt khác, phía Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, thực chất làuy hiếp nhằm làm ngư dân ta sợ không dám bám ngư trường truyền thống. Âm mưu này rất thâm độc, vừa đánh vào kinh tế của ngư dân vừa ngang nhiên chiếm biển.

Tuy bịtấn công, xua đuổi, cướp bóc tài sản, nhưng ngư dân ta không lùi bước. Vẫn biết ra Hoàng Sa là đối mặt hiểm nguy nhưng ngư dân vẫn ra vùng biển này đánh bắt. Bởi đó làngư trường truyền thống bao đời nay của bà con. Dù khó khăn đến mấy ngư dân cũng quyết tâm bám ngư trường Hoàng Sa thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm mà bao đời nay cha ông ta vẫn khai thác, đánh bắt hải sản và duy trì sự hiện diện thường xuyên của mình trên vùng biển Tổ quốc, để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Tinh thần của ngư dân cả nước nói chung, của miền Trung nói riêng hiện nay là bất chấp hiểm nguy sẵn sàng bám biển để thể hiện chủ quyền biển đảo một cách cụ thể, hữu hiệu nhất. Họ ra khơi với tinh thần chiến sĩ, bởi phía sau họ là cả một dân tộc, một đất nước kiên cường.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=671
Quay lên trên