Đến nay, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là đề án) đã triển khai được 5 năm. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua giai đoạn 1 thực hiện đề án đã có khoảng 5 triệu người được đào tạo nghề, chiếm 20% lao động khu vực nông thôn; riêng số lao động được học nghề nông nghiệp là hơn 660.000 người, đạt trên 50% mục tiêu của đề án.
Mục tiêu của đề án này đề ra là mỗi năm sẽ dạy nghề cho khoảng 1 triệu nông dân và đào tạo trình độ cho cán bộ cấp xã; đến năm 2020 tổng số lao động nông thôn đã qua đào tạo là hơn 11 triệu người.
Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng theo các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua vẫn còn nặng tính hình thức, theo phong trào, tỷ lệ nông dân sống được với nghề đã học còn ít và hiệu quả còn khiêm tốn. Trong khi đó, tổng vốn bỏ ra khá lớn với khoảng 26.000 tỷ đồng cho cả đề án và trong giai đoạn 2010- 2015 là 13.000 tỷ đồng. Một số địa phương cho rằng một số chương trình dạy nghề còn quá cứng nhắc và áp đặt, xa rời nhu cầu thực tế của người nông dân.
Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong nước cũng rất chú trọng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện tốt đề án cũng là để thực hiện hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Thực hiện đềán, bắt đầu triển khai từ năm 2015 trở đi là mỗi làng phải có một nghề hoặc tạo ra 1 - 3 sản phẩm cây con chủ lực, đặc trưng. Để thực hiện thành công mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của nông dân, các ngành, các cấp cần tạo điều kiện cho họ được học nhiều nghề để chủ động chuyển đổi khi gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, quỹ đất sản xuất, vùng nguyên liệu… Phải dạy những nghề mà nông dân thực sự cần, phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương và có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Kết quả đề án đạt được trong thời gian đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người nông dân. Tuy vậy, để đề án có hiệu quả phải có cách làm mới, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn mỗi địa phương; không thể dạy nghề kiểu phong trào, rập khuôn, cứng nhắc.
HOÀNG ANH