Những kỷ vật người lính

Cập nhật: 20-12-2013 | 00:00:00
> Bài 1: Người trong ảnh kể chuyện người trong ảnh

> Bài 2: Chuyện về những chiếc đèn tự tạo

> Bài 3: Bộ tiểu phẫu cứu sống hàng trăm đồng đội

 Bài 4: Chiếc quần đa năng

 Trong suốt thời gian tồn tại (1957-1964), Nhà tù Phú Lợi là “địa ngục trần gian” của các chiến sĩ cách mạng và người dân Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ. Dù thân xác phải chịu cực hình và sinh hoạt thì vô cùng bẩn thỉu nhưng họ vẫn không gục ngã. Để sưởi ấm thêm trái tim hồng trong những đêm lạnh ở chốn ngục tối, những người tù Phú Lợi đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm, trong đó có chiếc quần đa năng vô cùng ý nghĩa…   Ông Đào Văn Tiên (thứ hai bìa phải) trong Hội nghị biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tiêu biểu toàn quốc năm 2011

 Trong số những kỷ vật của những cựu tù chính trị từng bị giam cầm tại Nhà tù Phú Lợi hiện đang được Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh lưu giữ, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với chiếc quần đa năng. Đó là chiếc quần cộc màu đen đã hoen màu vì thời gian, thoạt nhìn cũng rất giống những chiếc quần cộc bình thường khác. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ, sẽ nhận ra một sự khác biệt của chiếc quần này với những chiếc quần bình thường ở chỗ, đây là chiếc quần không đáy. Nghĩa là, đáy quần không may kín mà chỉ được cài bởi một hàng cúc bên dưới để khi cần có thể cởi ra một cách dễ dàng.

Nhưng vì sao chiếc quần này có tên là đa năng, điều thắc mắc này đã theo chúng tôi đi tìm người “trong cuộc” để có lời giải đáp. Ông Đào Văn Tiên, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh Bình Dương, hiện đang sống cùng gia đình tại phường Phú Cường, TP.TDM từng là cựu tù Phú Lợi và cũng là một trong những người từng mặc chiếc quần đa năng này.    Những kỷ vật như chiếc quần đa năng sẽ có ý nghĩa vô giá về mặt giáo dục

Sinh ra trên quê hương xã Định Hòa, từ nhỏ ông Đào Văn Tiên đã sớm tiếp xúc với cách mạng. Ông kể, hồi đó, gia đình ông là một trong những địa điểm trú đóng của Ủy ban kháng chiến hành chính của cách mạng, nên anh em trong nhà sớm tiếp xúc và giác ngộ cách mạng. Đến năm 1960, ông là Tiểu đội trưởng Tiểu đội tự vệ mật của cách mạng ở xã. Nhiệm vụ của ông và các anh em trong tiểu đội là tham gia tề gian diệt ác.

Trong một lần đi công tác vào năm 1961, ông bị địch phát hiện và bắt giam cầm ở khám đường. Tại đây, chúng đã dùng nhiều cực hình đánh đập, tra khảo nhưng không làm lung lay được ông. Sau khoảng 3 tháng giam cầm, chúng không khai thác được thông tin gì từ ông nên đưa ông đến giam ở Nhà tù Phú Lợi. Và đến ngày 22-12-1962, chúng đày ông ra giam ở nhà tù Côn Đảo cùng hàng trăm chiến sĩ cách mạng khác. Khoảng đầu năm 1964, chúng đưa ông về đất liền giam ở Trại giam Chí Hòa, rồi lại quay về Nhà tù Phú Lợi.

Ông Tiên kể lại: “Lúc đầu, bọn chúng đưa chúng tôi về đất liền là có ý thả, nhưng đến đâu chúng tôi cũng đấu tranh chống các nội quy trong nhà tù và đặc biệt là chống chào cờ ngụy nên bị chúng giam vào phòng giam C của Nhà tù Phú Lợi. Trong nhà giam này, chúng giam đến 500 người, rất chật chội, hôi hám, sinh hoạt thì bẩn thỉu… nên ai cũng ghẻ lở, ốm nhom.

Thường chúng chỉ cho chúng tôi mặc một chiếc quần đùi thôi mà không có áo. Đêm xuống, đặc biệt vào mùa lạnh rất khó ngủ. Để chống chọi với thời tiết, anh em mới nghĩ ra chiếc quần đa năng trên. Anh em lấy chiếc quần đùi hàng ngày cắt đáy để đêm xuống có thể kéo lên che ấm phần ngực. Bởi thế, nó mới có tên gọi là quần đa năng, vì ngày thì nó làm quần nhưng tối đến thì nó làm áo sưởi ấm cho anh em trong những đêm lạnh…”.

Để có thêm nhiều tư liệu bằng hình ảnh, kỷ vật phục vụ khách tham quan, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh đang triển khai thực hiện công tác sưu tầm hiện vật của các cựu tù Phú Lợi. Ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh cho biết: “Phòng trưng bày truyền thống tại di tích Nhà tù Phú Lợi mới được xây dựng lại khá rộng rãi và khang trang. Sắp tới, sau khi sưu tầm xong, chúng tôi sẽ tổ chức trưng bày lại nhằm giới thiệu đến đông đảo người dân những hiện vật từng gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của cựu tù Phú Lợi năm xưa. Đây là hoạt động có nhiều ý nghĩa, nhằm góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ”.

Trong 15 năm bị tù đày, có đến 3 lần bị đày ra Côn Đảo, không có cái khổ nào bằng cái khổ chốn lao tù, vì thế ông nói rằng, ngay cả bản thân ông cũng không ngờ mình sống sót trở về sau chừng ấy thời gian tù đày. Ông bảo, đó là một sự kỳ diệu, vì thế ông rất trân trọng cuộc sống hôm nay và luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong mọi hoàn cảnh để làm gương cho con cháu noi theo.

Theo ông Tiên, việc các cựu tù đã tặng kỷ vật - chiếc quần đa năng - để phục vụ công tác trưng bày tại di tích Nhà tù Phú Lợi cũng là nhằm góp thêm một tiếng nói về cuộc sống của các tù nhân chính trị bị giam cầm tại Nhà tù Phú Lợi. “Thật ra chiếc quần đa năng cũng không có giá trị gì lớn, nhưng ý nghĩa là ở chỗ- đó là sản phẩm sáng tạo của các người tù chính trị Phú Lợi.

Nếu được trưng bày ở di tích để phục vụ khách tham quan thì nó còn có ý nghĩa vô giá về mặt giáo dục. Các thế hệ trẻ sau này thông qua những kỷ vật này sẽ càng hiểu hơn về lịch sử, về tinh thần cách mạng của cha ông…”. Quả thật, dù chốn “địa ngục” đen tối nhưng tinh thần của các chiến sĩ cách mạng và người Việt Nam yêu nước bấy giờ vẫn luôn sáng tỏ.

Chiếc quần đa năng chỉ là một trong những cách nghĩ sáng tạo để ứng phó với hoàn cảnh của các cựu tù nơi đây. Chính những cách nghĩ sáng tạo đó đã giúp họ đứng vững trước sự thâm độc của kẻ thù, chiến thắng cái chết và tìm lẽ sống lạc quan yêu đời trong hoàn cảnh khắc nghiệt do kẻ thù đặt ra. Dù với các cựu tù “đó chỉ là những điều bình thường”, nhưng với thế hệ đi sau nếu có dịp tiếp cận tác phẩm sáng tạo đó ắt sẽ thấy ra bao điều cao cả đáng trân trọng.

Bài 5: Báu vật RT77- GRC915W và những “bức điện tử thần”

CẨM LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên