Chia sẻ bài viết lên facebook

Những mốc son lịch sử của Đảng qua các kỳ đại hội - Bài 19

Cập nhật: 30-03-2015 | 08:35:28

Bài 19: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội. Đại hội họp nội bộ từ ngày 5 đến 14-12-1986, họp công khai từ ngày 15 đến 18-12-1986. Dự đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn quốc.

Về tình hình và nhiệm vụ

Báo cáo chính trị khẳng định: Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.

Những nhiệm vụ và mục tiêu do Đại hội lần thứ V của Đảng vạch ra, nhân dân ta anh dũng phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, đã ngăn chặn được đà giảm sút của những năm 1979-1980, từ năm 1981 đến nay, đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt. Nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 4,9% so với 1,9% hàng năm của thời kỳ 1976-1980. Sản xuất lương thực có bước phát triển quan trọng, mức bình quân hàng năm từ 13,4 triệu tấn trong thời kỳ 1976-1980 đã tăng lên 17 triệu tấn trong thời kỳ 1981-1985. Sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 9,5% so với 0,6% hàng năm trong thời kỳ 1976-1980. Thu nhập quốc dân tăng bình quân hàng năm 6,4% so với 0,4% trong 5 năm trước.

Về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trong 5 năm (1981-1985), đã hoàn thành mấy trăm công trình tương đối lớn và hàng ngàn công trình vừa và nhỏ, trong đó có một số cơ sở quan trọng về điện, dầu khí, xi măng, cơ khí, dệt, đường, thủy lợi, giao thông… Về năng lực sản xuất, tăng thêm 456.000 KW điện; 2,5 triệu tấn than; 2,4 triệu tấn xi măng; 33.000 tấn sợi; 58.000 tấn giấy; thêm 309.000 ha được tưới nước, 186.000 ha được tiêu úng, 241.000 ha được khai hoang đưa vào sản xuất; dầu mỏ bắt đầu được khai thác. Các công trình thủy điện Hòa Bình, Trị An đang được xây dựng, chuẩn bị đưa vào hoạt động. 

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội. Đại hội họp nội bộ từ ngày 5 đến 14-12-1986, họp công khai từ ngày 15 đến 18-12-1986

Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã tiến thêm một bước, đại bộ phận nông dân Nam bộ đi vào con đường sản xuất tập thể, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên có tiến bộ trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Nhà nước và nhân dân ta cố gắng chăm lo bảo đảm các nhu cầu của quốc phòng và an ninh, thi hành chính sách hậu phương quân đội.

Quân và dân ta tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia, củng cố liên minh chiến lược với hai nước láng giềng anh em, cùng nhau tăng cường thế và lực của cách mạng ở cả 3 nước.

Những phương hướng cơ bản của chính sách kinh tế - xã hội

Báo cáo chính trị nêu rõ: Tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch và các chính sách kinh tế là giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng chỉ đạo đó thể hiện trong các chính sách và biện pháp lớn dưới đây:

1. Bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư.

2. Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế.

3. Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.

Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phải nắm vững những vấn đề có tính nguyên tắc dưới đây:

- Thực hiện tập trung dân chủ trong quản lý kinh tế.

- Đổi mới kế hoạch hóa.

- Sử dụng tốt các đòn bẩy kinh tế.

4. Phát huy mạnh mẽ động lực khoa học, kỹ thuật.

5. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.

Báo cáo trình bày một số phương hướng, nhiệm vụ của chính sách xã hội:

1. Kế hoạch hóa dân số, giải quyết việc làm cho người lao động.

Phấn đấu hạ tỷ lệ phát triển dân số đến năm 1990 xuống 1,7%.

2. Thực hiện công bằng xã hội, lối sống có văn hóa; bảo đảm an toàn xã hội, khôi phục trật tự, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

3. Chăm lo đáp ứng các nhu cầu giáo dục, văn hóa, bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân: Về sự nghiệp giáo dục; về hoạt động văn hóa, văn nghệ; về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

4. Xây dựng chính sách bảo trợ xã hội.

5. Thực hiện đúng chính sách giai cấp và chính sách dân tộc.

Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta

Trong những năm tới, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực đối ngoại là ra sức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phấn đấu giữ vững hòa bình ở Đông Dương, góp phần tích cực giữ vững hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới, tăng cường quan hệ đặc biệt giữa 3 nước Đông Dương, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Tăng cường đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn luôn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Đảng ta nhận thức sâu sắc rằng: Phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa 3 nước Đông Dương, đoàn kết và tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật sống còn và phát triển của cả 3 dân tộc anh em…

Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm nhuần những tư tưởng và tình cảm cách mạng trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữ vững độc lập tự chủ, tăng cường hợp tác quốc tế, ra sức làm tròn nhiệm vụ dân tộc và làm tốt nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân thế giới.

Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa

Báo cáo chính trị nêu: Lợi ích chính đáng của quần chúng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trước mắt, tập trung sức giải quyết những vấn đề có thể giải quyết được, phù hợp với từng đối tượng.

Đối với giai cấp công nhân, Đảng cần có những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ hiểu biết về mọi mặt để xứng đáng với vị trí giai cấp tiên phong của cách mạng, đồng thời chăm lo đời sống vật chất và văn hóa, tạo ra những điều kiện cần thiết để giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình…

Đối với nông dân, phải giải quyết tốt quan hệ giữa nghĩa vụ đóng góp cho đất nước và quyền lợi của nông dân. Nhà nước phải soát lại các chính sách quan hệ đến nông dân, bãi bỏ những chính sách không đúng.

Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là bảo đảm quyền tự do sáng tạo.

Thanh niên phải được bảo đảm việc làm khi bước vào đời và được quan tâm giáo dục về nhân cách, bản lĩnh và lý tưởng theo phương châm “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng, có những đặc điểm cần được chú ý, như: Thiết thực tạo thêm việc làm, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình.

Để thiết lập cơ chế quản lý mới, cần thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước theo phương hướng sau đây: Xây dựng và thực hiện một cơ chế quản lý nhà nước thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động ở tất cả các cấp. Đó là bộ máy Nhà nước có đủ năng lực thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu:

- Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách cụ thể.

- Xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội và cụ thể hóa chiến lược đó thành những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Quản lý hành chính - xã hội và hành chính - kinh tế; điều hành các hoạt động kinh tế, xã hội trong toàn xã hội theo kế hoạch, giữ vững pháp luật, kỷ cương Nhà nước và trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh.

- Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước, phát hiện những mất cân đối và đề ra những biện pháp để khắc phục.

- Thực hiện một quy chế làm việc khoa học, có hiệu suất cao.

- Xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có chất lượng cao, với một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và có năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm có 13 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết; bầu Ban Bí thư gồm 14 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm làm Cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để. Đó là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng và toàn dân, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Đảng trước đất nước, dân tộc. Đường lối do Đại hội VI đề ra đã thể hiện sự phát triển tư duy lý luận, khả năng tổng kết và tổ chức thực tiễn của Đảng mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. (Còn tiếp)

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”,

NXB Lao Động năm 2013)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên