Nỗi lo chi tiêu cận tết!

Cập nhật: 29-12-2012 | 00:00:00

Những ngày giáp tết, khắp các diễn đàn, ngóc ngách quán cafe đều nghe chị em bàn chuyện lương thưởng, giá cả... “Lách” chi tiêu để trang trải sinh hoạt phí là những câu chuyện rất thực.

XOAY VỚI… BÃO GIÁ

Những ngày này chị Tuệ rất tích cực online, lên các diễn đàn để học hỏi kinh nghiệm chi tiêu và mua sắm trong gia đình. Giáp tết, nhà có rất nhiều thứ phải mua, trong khi “ngân khố” thì không tăng, thậm chí còn hụt. Vào các forum sẽ thấy rất nhiều kinh nghiệm của chị em.

 Các bà nội trợ lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm đón tết Trước đây, hai vợ chồng chị cùng đi làm, thu nhập cũng chừng 20 triệu đồng/tháng. Vậy mà từ nửa năm nay, anh chồng chị thất nghiệp, sản xuất đình đốn nên công ty nợ lương. Mọi chi phí cho gia đình với hai con nhỏ đều do chị gánh. Sắp xếp chi phí trong gia đình trở nên ngày càng khó khăn hơn. “Trước đây có lương tháng của cả 2 vợ chồng thì mình… dễ thở lắm, chi tiêu cũng khá thoải mái nhưng giờ ông xã tạm thất nghiệp, cả nhà trông vào mình nên thấy cũng áp lực quá”. Chính sách tiết kiệm tối đa được chị lên dây cót sẵn sàng. Từ những việc như chỉ đi siêu thị mua đồ ăn vào các ngày có tích lũy điểm thưởng, đăng ký làm khách hàng thường xuyên của siêu thị để những đợt khuyến mại hoặc chương trình tri ân sẽ có nhiều mặt hàng giảm giá… Những chi phí như tiền internet, tiền điện, ăn uống cũng cắt giảm bằng cách xài các gói cước viễn thông trọn gói, bớt sử dụng điều hòa hay ít nấu nướng ở nhà cũng giúp chị tiết kiệm được phần nào. Đôi khi, vừa để thỏa mãn sở thích mua sắm, vừa để tiết kiệm, các chị em còn rủ nhau đi săn lùng hàng giảm giá dịp cuối năm, hoặc mua hàng Việt Nam với giá cả cũng khá phù hợp. “Mình có người bạn cứ dịp cuối năm là kinh doanh quần áo nên mua được giá phải chăng, có hàng mới về là dặn bạn “alô” ngay nên lựa được nhiều kiểu ưng ý”, chị Tuệ hí hửng khoe.

NỖI LO… HAI KHÔNG

“Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, vậy mà nhiều nơi năm nay thưởng thấp khiến nhiều chị em khá thất vọng phải gấp rút lên phương án chi tiêu. “Ông xã mình cả năm nay mới nhận lương được tới tháng 5, giờ chẳng mong thưởng tết, chỉ mong sao lấy được lương những tháng còn lại là đã mừng lắm rồi”, chị Hồng than thở về ông chồng làm cho một công ty xây dựng. Còn chị Thảo thì buồn rầu khi nghe mấy chị bạn nói về chuyện thưởng tết: “Mang tiếng làm công ty nước ngoài mà trước nay việc thưởng lễ tết rất hạn hẹp. Năm nay lại thêm kinh tế khó khăn, chơi còn không… hết thời gian thì lấy đâu ra mà thưởng? Đọc báo, nói chuyện nghe chỗ này chỗ kia thưởng tết cao mà… thèm”. “Kinh tế khó khăn chung mà, ngồi than thở cũng làm được gì đâu. Thế cho nên nhân dịp nghỉ Tết Dương lịch tận 4 ngày, nhà mình lên kế hoạch đi Đà Lạt nghỉ ngơi, nhưng cũng chỉ là du lịch tự túc thôi để hạ thấp tối đa chi phí, cho các con xả hơi sau thi học kỳ luôn” - chị Trang tự hào “khoe” kế hoạch của gia đình vì có ông chồng làm chỗ dựa về kinh tế với các chị bạn.

Ông bà ta xưa đã từng nói: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Trước đây, các bà nội trợ từng chóng mặt với cơn “bão giá”, nay lại kéo theo tiền lương, thưởng eo hẹp, giá cả sinh hoạt vẫn không giảm. Vì vậy, cách hữu dụng nhất vẫn là lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, hợp lý để gia đình vẫn có một cái tết vui vẻ và đầm ấm.

THU THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên