Chia sẻ bài viết lên facebook

Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 6

Cập nhật: 14-03-2015 | 08:41:01

Bài 6: Chủ động triệu tập và chủ trì hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản

Sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng sôi nổi ở nhiều nước và những mâu thuẫn trong hàng ngũ tư bản và đế quốc, Quốc tế Cộng sản chủ trương “Bônsêvích hóa” các Đảng Cộng sản. Và trước tình hình chung và yêu cầu của cách mạng Đông Dương, Quốc tế Cộng sản nhiều lần thể hiện quan điểm về việc phải nhanh chóng thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất ở các khu vực này. Ngày 18-10-1929, trong “Dự thảo II” về thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tại phiên họp Hội đồng Ban Bí thư phương Đông có khẳng định: Việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương càng trở nên cần thiết. Ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản chính thức gửi cho những người cộng sản Đông Dương tài liệu về việc thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương: “Việc thiếu một Đảng Cộng sản duy nhất trong lúc phong trào quần chúng công nhân và nông dân ngày càng phát triển, đã trở thành một điều nguy hiểm vô cùng cho tương lai trước mắt của cách mạng Đông Dương… Sự chia rẽ giữa các nhóm cộng sản và cuộc đấu tranh giữa các nhóm đó là nguy cơ tai hại nhất cho toàn bộ phong trào cách mạng Đông Dương”. Quốc tế Cộng sản chỉ thị: “Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một Đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một số đảng cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”.

 Bút tích trang đầu dự thảo Luận cương chính trị của Đảng, tháng 10-1930 

Trong bản chỉ thị đó, Quốc tế Cộng sản chính thức gửi cho những người cộng sản nguyên tắc về xây dựng Đảng Mác - Lênin và chỉ đạo cách tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản. Điều này hết sức quan trọng định hướng cho sự thống nhất về quan điểm tư tưởng để đi tới việc hợp nhất các tổ chức cộng sản lúc bấy giờ. Nhưng trên thực tế, việc thống nhất về quan điểm tư tưởng để đi đến hợp nhất các tổ chức cộng sản là một việc diễn ra không hề đơn giản.

Bản chỉ thị của Quốc tế Cộng sản ngày 27-10-1929 là một văn kiện chỉ đạo rất quan trọng. Nó góp phần thúc đẩy quá trình vận động thống nhất Đảng, chấm dứt sự chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân nước ta. Tuy nhiên do bí mật gửi qua đường liên lạc của Đảng Cộng sản Pháp nên mãi đến tháng 2-1930 bản Chỉ thị mới tới Sài Gòn, chuyển cho Xứ ủy Nam kỳ.

Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Thực chất trong thời gian Quốc tế Cộng sản gửi bản Chỉ thị ngày 27-10-1929 qua Đảng Cộng sản Pháp rồi tới Sài Gòn, lúc này Nguyễn Ái Quốc đang ở Xiêm (Thái Lan), không biết tới chỉ thị này. Tuy nhiên, khi được tin trong nước đã hình thành nhiều tổ chức cộng sản, “với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương” (1), Nguyễn Ái Quốc đã gấp rút đi Hương Cảng, gửi thư về nước mời đại diện của các tổ chức sang Hương Cảng bàn việc hợp nhất. Đây là sáng kiến rất chủ động và kịp thời của Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đã rời Xiêm đến Trung Quốc, Người gặp gỡ những chiến sĩ cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở đây để tìm hiểu thêm tình hình. Sau đó, Người đã đến Hương Cảng chuẩn bị công việc cho hội nghị hợp nhất. Người đã chọn Hương Cảng là nơi tổ chức hội nghị bởi lúc đó Hương Cảng là thuộc địa của Anh, chính quyền sở tại ít chú ý tới những hoạt động yêu nước của người Việt Nam, do đó sẽ bảo đảm an toàn hơn cho hội nghị.

Để chỉ đạo hội nghị tiến hành đạt mục tiêu thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc xác định rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tự phê bình và phê bình về những thành kiến của tổ chức cộng sản dẫn đến tình trạng xung đột công kích nhau, phải xóa bỏ những khuyết điểm đó và thành thật hợp tác thống nhất các tổ chức cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đã đại diện cho Quốc tế Cộng sản, với khả năng thuyết phục, cảm hóa lòng người, dựa vào uy tín lớn của Người thì những vấn đề bất đồng khó giải quyết lâu nay đã được hòa giải nhanh chóng. Tiếp đó, bàn về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thảo luận thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt Điều lệ tóm tắt do Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi và tán thành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc đó tổ chức Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã không kịp cử đại biểu đến dự, sau này đã xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khác với chỉ thị của Quốc tế Cộng sản là lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra và được hội nghị hợp nhất thông qua, với tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy Đông Dương là thuộc địa của Pháp nhưng gồm 3 dân tộc sinh sống nhưng lịch sử của mỗi dân tộc có những đặc thù riêng biệt, nên đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam là phù hợp với thực tế lịch sử và hơn thế nữa, đó là sự tôn trọng và quán triệt nguyên tắc về dân tộc tự quyết của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó mang bản chất quốc tế nhưng trước hết phải tự quyết về vận mệnh của dân tộc mình: phải giành lấy chính quyền, phải tự mình trở thành dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã nhận định Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đều ra đời và hoạt động vì mục tiêu giải phóng dân tộc và nhân dân lao động. Nguyễn Ái Quốc đã không lựa chọn ai là chân chính cộng sản, ai là không chân chính mà Người đã chuyển nguyên khối các tổ chức đó vào Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không giải thể rồi lựa chọn những phần tử ưu tú để kết nạp vào Đảng như điều kiện thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương do Quốc tế Cộng sản nêu ra.

Như vậy, để đi tới quyết định thống nhất các tổ chức Đảng vào trong một tổ chức duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động trong mọi công việc, Người chọn địa điểm diễn ra hội nghị, chủ động soạn thảo, dự thảo các văn kiện cho hội nghị, lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam và Người đã trực tiếp đứng ra chủ trì hội nghị có tính bước ngoặt quan trọng này đối với Đảng ta. Chỉ trong vòng một tháng, 3 tổ chức cộng sản ở Đông Dương đã thống nhất vào trong một Đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến đây có thể nói, với sự tổ chức tài tình sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử trọng đại trước giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam. Thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, vạch ra cho cách mạng Việt Nam đi từ cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội và đề ra nguyên tắc tổ chức Đảng kiểu mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện xã hội thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam được đánh dấu bằng mốc son hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời, chủ động giải quyết yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam, với tài năng và uy tín của mình kết hợp với sự khéo léo trong công tác tổ chức và thành lập nên một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam, chấm dứt sự phân tán về tổ chức và sự khủng hoảng bế tắc về đường lối cứu nước, cùng giai cấp lãnh đạo của cách mạng Việt Nam trong 72 năm, từ năm 1858-1930. (Còn tiếp)

Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Chương trình tóm tắt do Nguyễn ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện đó hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta - Cương lĩnh Hồ Chí Minh. Nội dung cơ bản như sau:

Xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.

Xác định những nhiệm vụ cụ thể của cách mạng:

Về chính trị: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công nông binh và tổ chức quân đội công nông.

Về kinh tế: Tịch thu toàn bộ các sản nghiệp lớn của bọn đế quốc giao cho Chính phủ công nông binh; tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc làm của công và chia cho dân cày nghèo, mở mang công nghiệp và nông nghiệp, miễn thuế cho dân cày nghèo, thi hành luật ngày làm tám giờ.

Về văn hóa - xã hội: Dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo hướng công nông hóa.

Những nhiệm vụ trên đây bao gồm cả hai nội dung dân tộc và dân chủ, chống đế quốc, chống phong kiến, song nổi lên hàng đầu là nhiệm vụ chống đế quốc giành độc lập dân tộc.

Về lực lượng cách mạng, Đảng chủ trương tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân, nông dân và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, lãnh đạo nông dân làm cách mạng ruộng đất; lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông... đi vào phe vô sản giai cấp; đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.

 

 (1): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 1998, tập 1, tr.614

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên