4 tháng đầu năm: Bình Dương dẫn đầu về thu hút vốn FDI

Cập nhật: 10-05-2012 | 00:00:00

Theo báo cáo nhanh của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm, Bình Dương đã vươn lên đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Về đối tác đầu tư, Nhật Bản vẫn là quốc gia dẫn đầu, chiếm hơn 67% tổng vốn đầu tư, trong đó có những dự án lớn được đầu tư vào Bình Dương.

Theo đó, trong 4 tháng đầu năm (không tính lũy kế đối với các dự án còn hiệu lực), Bình Dương đang tạm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với mức 1,58 tỷ USD (cả đăng ký mới lẫn tăng thêm), chiếm 37,2% trong tổng số vốn đầu tư FDI của cả nước. Đứng thứ 2 sau Bình Dương là Hải Phòng với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 664,3 triệu USD, chiếm 15,6%. TP.Hồ Chí Minh là địa phương đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 459,8 triệu USD. Xét theo vùng thì Đông Nam bộ là khu vực thu hút được nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 2,23 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đứng thứ 2 là vùng đồng bằng sông Hồng với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 1,54 tỷ USD, chiếm 36,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung (bìa trái) trao Giấy phép đầu tư cho Công ty TNHH Becamex – Tokyu

Còn nếu tính lũy kế đối với các dự án còn hiệu lực tính đến thời điểm báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (20-4) thì TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu (4.023 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32 tỷ USD), tiếp đó là Bà Rịa - Vũng Tàu (279 dự án với tổng vốn đăng ký 25,9 tỷ USD), thứ 3 là Hà Nội (2.268 dự án với tổng vốn đăng ký 23,6 tỷ USD), thứ 4 là Đồng Nai (1.082 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 18 tỷ USD), Bình Dương đứng vị trí thứ 5 với 2.151 dự án, tổng vốn hơn 16,7 tỷ USD..

Trong 4 tháng đầu năm 2012, Cục Đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận một số dự án với tổng vốn đăng ký khá lớn được cấp giấy phép đầu tư. Đáng kể nhất là dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương do Nhật Bản đầu tư tại thành phố mới Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD. Tiếp đó là các dự án như: Dự án sản xuất và xuất khẩu 100% sản phẩm lốp cao su do Nhật Bản đầu tư tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất sợi tại tỉnh Quảng Ninh của nhà đầu tư Hồng Kông với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Thép KYOEI Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 184,4 triệu USD đầu tư tại tỉnh Ninh Bình...

Thống kê cũng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam thì Nhật Bản có rất nhiều dự án với số vốn lớn. Đây cũng là quốc gia đứng đầu về vốn FDI ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,86 tỷ USD (chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam). Đứng vị trí thứ hai là British Virgin Islands với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 438 triệu USD (chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư). Hồng Kông đứng ở vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 350,9 triệu USD (chiếm 8,2%)...

Tuy nhiên, trong thu hút vốn FDI điều quan tâm không chỉ về số vốn đăng ký mà quan trọng hơn là giải ngân được bao nhiêu. Vì thế, với con số của Cục Đầu tư nước ngoài đưa ra trong 4 tháng đầu năm với mức giải ngân là 3,61 tỷ USD, bằng 99,7% với cùng kỳ năm 2011 cho thấy, đây là tín hiệu đáng mừng trong thời điểm nền kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Theo các báo cáo thống kê mà đơn vị này nhận được từ các địa phương tính đến ngày 20-4, cả nước có 169 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 3,09 tỷ USD, bằng 72,6% so với cùng kỳ năm 2011. Có 73 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,16 tỷ USD, bằng 59,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Như vậy, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4 tháng đầu năm 2012 của cả nước là 4,26 tỷ USD, bằng 68,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến có 82 dự án đầu tư đăng ký mới và 57 dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm 2,3 tỷ USD (chiếm 55,6% tổng vốn đầu tư đăng ký). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,57 tỷ USD (chiếm 36,9% vốn đầu tư), lĩnh vực vận tải kho bãi đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 180 triệu USD (chiếm 4,2%).

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=279
Quay lên trên