Trăng mười hai lần rằm tròn nhất trong năm. Riêng trăng rằm Trung thu là dành riêng cho trẻ - bởi vì trăng Trung thu tròn nhất cho trẻ, sáng nhất cho trẻ, là niềm vui của trẻ. Dù trong ngày rằm đó, có rất nhiều lồng đèn cho trẻ, đèn ông sao, đèn trái ấu, đèn con cá, đèn cánh hoa, đèn tai thỏ - dù có rất nhiều trống ếch, nhiều đầu lân, đầu sư tử, nhiều trái cây, nhiều bánh. Nhưng tất cả cũng không thể thay thế được ánh trăng tròn vành vạnh, ánh trăng mang huyền thoại soi trong mắt, sáng trên mặt trẻ thơ. Ánh trăng gọi trong hồn trẻ điều tưởng tượng có cánh bay và niềm ước mơ đi bằng đôi chân trẻ. Trăng Trung thu còn là đôi mắt Bác Hồ cười, là chòm râu Bác chải, là thơ Bác đọc, là niềm vui Bác dành cho trẻ thơ.
Thiên nhiên dành rằm Trung thu làm ngày tết cho trẻ. Bác cũng lấy làm cái tết riêng cho trẻ - và cao hơn - Bác coi đó là cái tết gặp gỡ niềm hạnh phúc của cha mẹ, ông bà và dân tộc cho trẻ.
Trong lần kháng chiến thứ nhất, Bác tiếp một nhà báo vừa là nhà thơ nước ngoài trong căn nhà sàn của Bác. Căn nhà sàn trong rừng Việt Bắc, cạnh có suối chảy, có nương ngô, đường vào nhà sàn không để dấu.
Hôm đó, Bác rót chén trà mời khách cũng vừa lúc ngoài kia trăng lên, cái ánh trăng đêm mười hai, mười ba chưa thật tròn lắm. Vị khách thơ cảm nhận ở bàn tay Bác ngập ngừng. Bác nhìn ra xa ánh trăng, xúc động thật khó tả. Dừng lại một chút rồi nhìn khách, Bác nói:
- Đêm nay trăng sáng và trà thơm, còn hai đêm nữa là đến đêm rằm của các cháu thiếu nhi.
Ba tháng sau, trên trang báo nước ngoài, nhà thơ đó viết: “Vị Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chúng tôi vào hai đêm trước dành riêng trăng cho khách. Nhưng không quên ánh trăng rằm theo tục lệ cổ truyền Việt Nam dành cho trẻ Việt Nam”.
Đấy là đêm trăng sau một năm kháng chiến gian nan vất vả, nhưng chiến khu Việt Bắc vẫn không mất tiếng suối trong, bóng trăng lồng của cảnh khuya. Một đêm trăng của năm thứ ba cuộc kháng chiến, dù bận việc quân việc nước, Bác vẫn không quên ánh trăng đầy dòng sông, đầy màu trời màu nước.
Như nhà thơ nước ngoài nói, trăng của khách, của người lớn bao giờ cũng có trong Bác. Trăng có trong Bác từ cái ngày còn trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Đấy là cái nhà tù không có chỗ ngủ. Muốn có chỗ ngủ tù nhân phải giành nhau tra chân vào cùm, giành nhau nằm bên hố xí. Vậy mà Bác có để tâm đến chuyện ngủ ấy đâu, bởi vì ngoài kia trăng đang nhòm qua khe cửa - trong khe cửa có một nhà thơ đang ngắm trăng.
Một tấm ảnh chụp lúc Bác đang ngắm trăng từ xa. Bóng Bác và chòm râu yên lặng, bóng lá thả xuống cửa sổ nhà sàn lung lay, ánh trăng tròn ở phía trước. Tấm ảnh chụp trong thời kỳ kháng chiến cực kỳ gian khổ, nhưng cái gian khổ lùi ở phía sau - còn cái phong thái ung dung tự tại của nhà thơ, cái phong thái cuộc kháng chiến thì thật tươi mát, thật tĩnh lặng, đĩnh đạc.
Trăng của người lớn, trăng của Bác là trăng cho thưởng thức, trăng cho niềm tâm sự của nhà thơ, cho chất thép nhà thơ. Từ trăng của người lớn đến trăng rằm Trung thu cho trẻ em, ở trong Bác không có khoảng cách. Trăng Trung thu cho trẻ phơi phới, sáng kỳ lạ, vui kỳ lạ, xúc động đến kỳ lạ. Hồn Bác như ở trong trăng để trăng hòa hợp ông và cháu, cha và con, vui và tin, kháng chiến và thắng lợi. Bác là chân dung của vầng trăng Trung thu cho các cháu, thành biểu tượng đẹp đẽ của thiên nhiên và con người đang cuộc kháng chiến.
Trung thu năm 1951, ánh trăng đẹp như gương, đẹp gương mặt tuổi thơ lóng lánh trong hồn Bác: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.
Trung thu năm 1952, ánh trăng và tình thương hòa quyện trong lời nhắc nhủ tuổi thơ trong tình Bác: “Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.
Trung Thu năm 1953, ánh trăng và chiếc hôn tuổi thơ cùng niềm tin thắng lợi trong hứa hẹn của Bác: “Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần”.
Năm nay rằm Trung thu, tiếng trống ếch vui chơi, tiếng trống múa lân cùng ánh đèn ông sao của trẻ em sáng như lễ hội. Bác vẫn bên các cháu, bên ánh trăng Trung thu tỏa sáng.
Theo SGGP