Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển

Bài 19: Dấu ấn đờn ca tài tử Ở Bình Phước

Cập nhật: 13-03-2017 | 10:49:54

Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ đã vượt khỏi ranh giới đất nước để đến với công chúng trên toàn thế giới kể từ khi UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5-12-2013. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đậm chất Nam bộ hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX. Ban đầu chỉ là đờn và ca của người bình dân sau giờ lao động ở vùng sông nước Nam bộ. Đến nay, sau những kế thừa và phát triển, nghệ thuật ĐCTT ở mỗi vùng đã có dấu ấn riêng và sự nổi bật ở Bình Phước là một minh chứng.

Những nét riêng thú vị

Người ta thường “mặc định” ĐCTT là gắn với dòng sông, bến nước, con đò nhưng nghệ nhân Hoàng Tấn, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh nhận thấy, ở Bình Phước thì sông, nước không phải là không gian chủ đạo. Nghệ nhân Hoàng Tấn nói, để ĐCTT gần gũi, cuốn hút hơn với chính con người nơi đây, tôi đã dàn dựng hai chú bé mục đồng (Sơn và Hân) ngồi trên lưng trâu thả hồn cùng thiên nhiên và ca cổ. Ngoài ra, trong chương trình còn có hình ảnh về lối sống đặc trưng là mặc xà rông, uống rượu cần quanh bếp lửa bập bùng của người Sêtiêng, Mơnông ở Bình Phước.

Tiết mục biểu diễn tại lễ khai mạc Liên hoan ĐCTT tỉnh Bình Phước năm 2016

Với sự dàn dựng mới lạ này của nghệ nhân Hoàng Tấn, đoàn nghệ nhân Bình Phước đã làm lay động lòng người tại Festival ĐCTT Quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014, đoạt huy chương bạc toàn đoàn. Riêng 2 “tài tử nhí” là Phạm Thị Ngọc Hân (2004) và Phạm Ngọc Sơn (2006) ở xã Phú Văn (Bù Gia Mập) đã xuất sắc đoạt huy chương vàng.

Không chỉ tạo dấu ấn trong chương trình biểu diễn, phong trào ĐCTT ở Bình Phước còn có nhiều nét riêng rất thú vị. Đó là mô hình lớp học tài tử. Lớp học khá đa dạng thành phần dân tộc, độ tuổi và hội tụ nhiều xã ở khắp 10 huyện, thị xã trong tỉnh. Ngành nghề cũng phong phú từ bác sĩ, kỹ sư đến học sinh, công an, bộ đội, giáo viên, cán bộ, công nhân, nông dân... Họ chủ động khắc phục thời tiết, địa hình, đường sá... để đến học. Hiểu được nỗi lòng trò, thầy cô là những cán bộ thuộc Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh phải lọ mọ từ 3 - 4 giờ sáng để đến Bình Phước cho kịp giờ dạy. Cô Dương Kim Sang cho biết: “Nghĩ đến tình cảm nồng nhiệt của học viên là quên mệt ngay. Và đây cũng là đam mê của chúng tôi nên chỉ cần nghĩ đến là nôn nao rồi”.

Giữa mùa mưa lại có những đợt áp thấp nhiệt đới khiến Bình Phước mưa dầm dề. Nhưng đều đặn mỗi chủ nhật, mẹ con chị Nguyễn Thị Kim Nên (SN 1980) ở xã Phú Văn lại cùng nhau đi học. Đưa tay chỉ vào lớp học (hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh) chị Nên nói: “Lớp học này có 4 bà mẹ và 5 đứa trẻ là anh em bà con học ở đây. Bà nội đã động viên con dâu đưa con đi học, còn con trai khỏe mạnh ở nhà làm vườn rẫy, khi nào mọi người học xong thì về dạy lại cho người ở nhà. Trời nắng thì người lớn chở trẻ con bằng xe máy nhưng hôm nào mưa hoặc trời âm u thì bắt xe đò. Không ai bắt buộc nhưng không dám bỏ vì tiếc lắm!”. Trong lớp có khá nhiều cặp “cha - con”, “mẹ - con” cùng đi học.

Tích cực bảo tồn và phát triển

Tuy là tỉnh còn non trẻ, nhưng Bình Phước vẫn tích cực trong công tác bảo tồn và phát triển ĐCTT tại khắp các địa phương trong tỉnh. Bà Dương Thị Thanh Vị, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 22 CLB ĐCTT với 750 hội viên. Trong đó, ở TX.Đồng Xoài, huyện Bù Đốp, huyện Hớn Quản có nhiều CLB tự phát sinh hoạt rất sôi nổi.

Nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật di sản này, ngày 29-5-2015, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong đã ký Quyết định số 1073/ QĐ-UBND về ban hành Đề án Bảo tồn và phát triển ĐCTT trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2015-2020. Theo đó, đề án có 8 giải pháp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện ứng dụng, nâng cao chất lượng ĐCTT; huy động nguồn lực, phối hợp với các đơn vị chức năng và cơ quan truyền thông đưa ĐCTT đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ sâu rộng hơn; tạo điều kiện để nghệ nhân trong tỉnh giao lưu với các tỉnh, thành khác. Bà Dương Thị Thanh Vị, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, bên cạnh sân chơi được tổ chức 2 năm một lần như Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh, Bình Phước còn tổ chức nhiều lớp tập huấn ĐCTT từ cơ bản đến nâng cao cho các nghệ nhân, tài tử và người mộ điệu. Qua đó, dần dần nâng cao chất lượng trong các ngón đờn và giọng ca, phát triển thêm nhiều CLB, nhiều nghệ nhân.

Hướng về Festival ĐCTT Quốc gia lần 2 - Bình Dương 2017 với tinh thần hân hoan phấn khởi, các nghệ nhân Bình Phước đang luyện tập hăng say chương trình “Phương Nam mộ điệu” để tham gia tranh tài tại hội thi nghệ thuật ĐCTT trong Festival lần này. Ngoài chương trình biểu diễn, Bình Phước sẽ bố trí thêm dàn đờn với các nghệ nhân đờn, tài tử ca để hướng dẫn cách sử dụng nhạc cụ, cách ca những bài bản vỡ lòng cho du khách tại Festival khi đến với Không gian ĐCTT Nam bộ của Bình Phước.

Bài 20: Tiếng vang đờn ca tài tử ở thành phố mang tên Bác

MINH HIẾU - NGỌC TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=766
Quay lên trên